Phong trào "Bình dân học vụ số" được truyền cảm hứng và kế thừa, phát huy từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
80 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, "giặc dốt" trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm (cùng với "giặc đói" và "giặc ngoại xâm"), phong trào "Bình dân học vụ" ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; do đó, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về phong trào "Bình dân học vụ số" với tinh thần rộng mở, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào "Bình dân học vụ số" còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Để lan tỏa phong trào "bình dân học vụ số", không chỉ cần các quyết sách, sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức xã hội, mà hơn hết, người dân chính là chủ thể, cần chủ động học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, ứng dụng tri thức số, cùng xây dựng một xã hội tiến bộ trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" diễn ra chiều 26/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
"Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số"", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số.
Trong những năm qua, Chính phủ số đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 45%, người dân đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng nền tảng VNeID, với hơn 93 triệu lượt truy cập.
Bên cạnh đó, hạ tầng số phát triển mạnh mẽ, đã thương mại hóa 5G, tốc độ Internet quốc tế tăng mạnh; 96,4% thôn, bản đã có Internet cáp quang, 82,9% hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng.
Đặc biệt, kinh tế số có bước phát triển vượt bậc, đóng góp 18,3% GDP, với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 57%).
Dữ liệu số được xây dựng và đẩy mạnh khai thác, với 10 cơ sở dữ liệu quốc gia trọng điểm, trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, phục vụ hơn 1,8 tỷ lượt truy vấn.
Phong trào "Bình dân học vụ số" phải có sự gắn kết chặt chẽ về tên gọi, giá trị cốt lõi và bài học kinh nghiệm của phong trào "Bình dân học vụ" trước đây - một trong những phong trào thành công nhất trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Do đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phong trào này phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi. Phong trào muốn "sống lâu", thì phải mang lại hiệu quả thiết thực, phải hài hòa lợi ích riêng và lợi ích chung, giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của đất nước.
Đặc biệt, phong trào này phải là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là mệnh lệnh của trái tim, là tư duy thông minh của khối óc, hành động quyết liệt của mỗi người dân. Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải khơi dậy và lan tỏa khí thế cách mạng, truyền thống đại đoàn kết, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc; dứt khoát phải hoàn thành theo tiến độ đề ra; thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025 và chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Triển khai 3 nền tảng thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số", gồm: Nền tảng học trực tuyến mở đại trà One Touch và nền tảng học trực tuyến mở đại trà MobiEdu (đã đào tạo cho hơn 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phổ cập kỹ năng số miễn phí cho hơn 40 triệu lượt người); và nền tảng "Bình dân học vụ số" đến nay đã đào tạo 200 nghìn lượt cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.