Tỉnh Bình Phước tập trung phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, CN hỗ trợ, năng lượng tái tạo...
Thời gian qua, Sở Công Thương tập trung rà soát, tổng hợp tình hình, số liệu, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu của các lĩnh vực, từ đó bổ sung giải pháp thực hiện đảm bảo hiệu quả những tháng cuối năm, đề ra chỉ tiêu hợp lý cho năm 2025.
Song song đó, ngành Công Thương đã kịp thời nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương; đẩy mạnh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp, tích cực hỗ trợ các dự án sớm đưa vào hoạt động. Sở Công Thương cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chủ động chuẩn bị các nội dung, số liệu phục vụ cho xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn năm 2025 - 2030.
Đến nay, ngành Công Thương Bình Phước đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh nói chung, đặc biệt những ngành công nghiệp then chốt có sự chuyển biến tích cực. Một số ngành công nghiệp như: điện, điện tử, dệt may, da giày, xây dựng… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân… tạo động lực rất lớn cho các cấp quản lý, nhà đầu tư tiến gần với mục tiêu đề ra.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bình Phước tập trung phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Trong phát triển công nghiệp chế biến, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu theo hướng cụm ngành; phát triển 3 nhóm ngành chủ lực: chế biến điều, chế biến cao su và gỗ, chế biến thực phẩm. Đối với công nghiệp chế tạo, tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn... Tỉnh cũng hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.