Bình Phước: Phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại

PHƯƠNG ANH 27/07/2023 16:40

Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. 

Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.

 Cụm NMĐMT Lộc Ninh 550 MWp hiện đang là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam

Cụm NMĐMT Lộc Ninh 550 MWp hiện đang là một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất tại Việt Nam

Đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng vừa ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 17/01/2023 về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”; phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu. Đồng thời, hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số...

Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%, giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%.

Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%. Thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu xếp hạng chỉ số PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35; đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước…

Đến năm 2025, Bình Phước có 20 KCN, đến năm 2030 là 27 KCN. Bình Phước cũng quy hoạch 32 CCN với tổng diện tích 1.827,41 ha, phân bố tại các huyện trên địa bàn tỉnh; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây...

Ưu tiên ngành có giá trị gia tăng cao

Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng đã nêu ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể. Định hướng trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bình Phước sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin,... Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.

Đối với công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp chế biến sâu phải theo hướng cụm ngành; tăng tốc phát triển 03 nhóm ngành điều, gỗ và thực phẩm xuất khẩu chủ lực (các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm) một cách bền vững trước năm 2025, đóng góp cao vào tỷ trọng trong GRDP, thu ngân sách và tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Trong công nghiệp chế tạo, tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị và hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn. Công nghiệp hỗ trợ, hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt ngành điện - điện tử trong tương lai.

Đối với công nghiệp năng lượng tái tạo, Bình Phước tập trung phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về công nghiệp vật liệu xây dựng, Bình Phước phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng GRDP của tỉnh;

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chủ động, đón đầu các tín hiệu thị trường bằng cách tìm kiếm và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này để nắm nhu cầu và khả năng, từ đó đưa ra những chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Dương và Bình Phước hợp sức triển khai đường cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng

    Bình Dương và Bình Phước hợp sức triển khai đường cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng

    17:59, 01/03/2023

  • Bình Phước: Sức bật từ lợi thế so sánh

    Bình Phước: Sức bật từ lợi thế so sánh

    01:29, 23/01/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tính toán kỹ phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tính toán kỹ phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai

    23:37, 11/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Phước: Phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO