Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cách mạng 4.0 về quản lý dân cư

Sông Hàn 22/10/2018 04:00

Đây là sự thay đổi công nghệ từ quản lý bằng giấy tờ chuyển sang công nghệ thông tin, là cuộc cách mạng trong tư duy quản lý Nhà nước.

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Bộ Công an công bố nhằm lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân lẫn các chuyên gia.

Có hai phương án được đưa ra: Một là giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay. Hai là bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy

    01:46, 18/10/2018

  • Bỏ sổ hộ khẩu giấy: "Số hóa" quản lý dân cư

    05:42, 14/04/2018

  • Hộ khẩu hay cổ tích?

    13:07, 07/04/2018

  • Bộ Công an “bác” tin bỏ hộ khẩu và chứng minh nhân dân

    13:44, 07/11/2017

  • Bao giờ mới bắt đầu bỏ Sổ hộ khẩu?

    07:36, 06/11/2017

  • Vui buồn hộ khẩu

    05:29, 06/11/2017

  • Bỏ sổ hộ khẩu – một quyết định tiến bộ mang tính lịch sử

    00:55, 06/11/2017

Thực tế đang cho thấy, đã có những bất cập của việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy. Theo tính toán của Bộ Công an, nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Việc sử dụng mã số định danh cá nhân cũng sẽ giúp tiết kiệm gần 300 tỷ đồng chi phí làm sổ bảo hiểm.

Chẳng hạn, hiện nay công dân khi tham gia các giao dịch hoặc thủ tục hành chính phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh... Khi quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ không còn phải mang theo các loại giấy tờ đó nữa.

Một tiện ích khác cũng nhìn thấy rõ, việc sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành.

Theo số liệu khảo sát đã công bố của Ngân hàng thế giới và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông cho thấy: Có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỉ lệ ở TP Hồ Chí Minh lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%...

Và 70% người dân được khảo sát cho rằng, cuốn sổ này làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng. Điều này cũng có nghĩa, quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân là hết sức tiên tiến, nhiều ưu điểm, tiện lợi cho cả người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế được lãng phí không cần thiết hàng năm.

Thế nhưng, vấn đề ở chỗ việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia đòi hỏi phải đồng bộ, tốn nhiều thời gian, công sức, thậm chí phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Đây thật sự là bài toán khó, muốn ra đáp án đúng thì cần phải qua nhiều bước, chứ không thể giải theo kiểu “rút gọn” được.

Thêm vào đó, khó khăn, thách thức trong đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 rất lớn.

Nói như ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông  thì: “Hiện giờ, dù chúng ta mới chỉ có vài chục triệu người sử dụng Internet nhưng vấn đề an ninh thông tin đã cực “nóng”. Thử hình dung thời gian tới, khi chúng ta có tới hàng tỉ thiết bị, hàng tỉ bộ cảm biến kết nối internet để cung cấp thông tin dữ liệu, vấn đề này sẽ còn cấp bách đến mức nào. Điều đó đòi hỏi cơ quan nhà nước phải thiết lập những cơ chế một cơ chế kiểm tra, phòng chống và ứng cứu để đảm bảo an toàn thông tin cho các dịch vụ thông tin có tính mở, đồng thời cũng cần có giải pháp để tăng cường quản lý, kiểm soát thông tin cá nhân” - ông Nguyễn Thành Phúc nói.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu hết sức bức thiết đối với việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử. Tức là, yêu cầu về xử lý công việc của cơ quan Nhà nước sẽ phải nhanh, kịp thời hơn. Đồng thời hoạt động cũng phải có tính chất công khai, minh bạch cao hơn nhiều so với hiện nay.

Nói cách khác, cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thì ở chiều ngược lại, người dân, doanh nghiệp cũng sẽ đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Và chuyện bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là chính sách hợp lý trong thời công nghệ số. Đây là sự thay đổi công nghệ từ quản lý bằng giấy tờ chuyển sang công nghệ thông tin, là cuộc cách mạng trong tư duy quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cách mạng 4.0 về quản lý dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO