Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần điều chỉnh các ưu đãi thuế linh hoạt, phù hợp với thực tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được xem là một trong những nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế, tháo gỡ nút thắt về thể chế, tạo động lực phục hồi và phát triển cho doanh nghiệp. Đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, nếu được tháo gỡ rào cản về thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, khối doanh nghiệp này sẽ trở thành trụ cột thực sự cho nền kinh tế tự cường.
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung rất tích cực về ngành nghề ưu đãi thuế, phản ánh xu hướng điều chỉnh chính sách thuế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược dài hạn của đất nước. Đặc biệt, Dự thảo đã thể chế hoá một số chủ trương lớn của Đảng như hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số quốc gia, và kinh tế xanh - những lĩnh vực then chốt được xác định là động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, góp ý cụ thể vào Dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị, các quy định ưu đãi thuế trong Dự thảo cần được thiết kế linh hoạt hơn, phù hợp với năng lực thực tế của doanh nghiệp nội địa quy mô vừa và nhỏ. Về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 12), đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bình Thuận bày tỏ băn khoăn dự thảo quy định một số tiêu chí như “quy mô vốn đầu tư”, “giải ngân trong 3 năm”, “có sức lan tỏa...” quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong thực tế triển khai thực hiện vì những tiêu chí trên thực tế chỉ có doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) mới đáp ứng được, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó đáp ứng được, từ đó có thể làm hạn chế cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Do đó, cần giao cho Chính phủ quy định các tiêu chí linh hoạt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực giáo dục… để có thể tiếp cận chính sách ưu đãi tương tự như doanh nghiệp Nhà nước”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất.
Đồng tình với đề xuất cần có tiêu chí linh hoạt hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở góc độ là một doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Hằng Khai cho rằng, quy định ưu đãi thuế hiện tại đang thiên về các doanh nghiệp có tiềm lực vốn lớn, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nội địa quy mô vừa và nhỏ.
“Chúng tôi đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng phần mềm thiết kế tự động vào sản xuất từ vài năm nay. Dù không phải dự án lớn hàng trăm tỷ đồng, nhưng rõ ràng là mang lại hiệu quả thiết thực và tạo ra nhiều việc làm kỹ thuật chất lượng. Tuy nhiên, với tiêu chí như hiện nay, gần như chúng tôi không có khả năng tiếp cận ưu đãi thuế”, bà Hằng chia sẻ.
Theo đại diện doanh nghiệp, chính sách thuế nếu thực sự muốn khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì cần xem xét linh hoạt về quy mô đầu tư, thời gian giải ngân, và nên có một bộ tiêu chí riêng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Không thể lấy tiêu chuẩn của ông lớn áp đặt cho tất cả. Muốn nâng cao nội lực sản xuất trong nước thì phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bứt lên”, bà Hằng đề xuất.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, việc hoàn thiện các tiêu chí ưu đãi thuế phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là “bệ phóng” quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn, mà còn mang lại hiệu quả lâu dài trong mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.