Cấp bách nguồn nguyên liệu cho gạch ngói Quảng Ninh

LÊ CƯỜNG 21/07/2023 02:00

Quảng Ninh có trữ lượng lớn về đất sét, tro xỉ than- nguyên liệu chính để sản xuất gạch, ngói. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói trên địa bàn Quảng Ninh lại thiếu nguyên liệu sản xuất

p/Các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói tại Quảng Ninh đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất.p/Ảnh: Lê Cường

Các doanh nghiệp sản xuất gạch ngói tại Quảng Ninh đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Ảnh: Lê Cường

>> Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng

Đây là một nghịch lý mà các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần sớm tìm giải pháp giải quyết để giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.

Những khó khăn chồng chất

Ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền (Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) chia sẻ: “Nhà máy của chúng tôi sản xuất sản phẩm gạch, ngói không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than với quy mô lớn. Chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động với công suất khoảng 60 triệu viên/năm. Trong những năm đầu mới đi vào hoạt động, sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động sản xuất của Công ty đã gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, công ty phấn đấu sản xuất 60 triệu viên gạch xây; 300.000m² ngói màu và 500.000m² gạch lát vỉa hè. Tuy nhiên hết quý I/2023, Công ty mới hoàn thành 20% kế hoạch”.

Ngoài Công ty CP Thanh Tuyền, các đơn vị như Công ty CP Gốm Đất Việt, Viglacera Hạ Long, Công ty Gốm Giếng Đáy… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Lý giải cho thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hạ Long cho biết: “Giá nguyên liệu đầu vào trong thời gian gần đây đã tăng mạnh. Đơn cử năm 2021, than kíp chỉ khoảng 4 - 4,2 triệu đồng/tấn, thì từ tháng 4/2022 đến nay, giá than kíp đã tăng lên 8,4 triệu đồng/tấn, thậm chí có thời điểm tăng lên 9,4 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, các nguyên liệu, vật tư đầu vào khác như điện, xăng dầu... cũng đều tăng giá. Điều này khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nên nhu cầu xây dựng của các doanh nghiệp, người dân đều giảm. Do đó, lượng gạch tồn kho của nhiều công ty đang rất lớn”.

“Nhưng khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp gạch ngói phải kể đến, đó là tình trạng “đói” nguyên liệu sản xuất. Đây là một nghich lý, khi mà Quảng Ninh là vùng đất rất phong phú nguyên liệu cho sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh và lý giải: Đơn cử như Công ty Cổ phần Gạch ngói Đất Việt, khó khăn của đơn vị hiện nay là mỏ sét đã hết hạn ngày 31/12/2021. Doanh nghiệp này đã có văn bản gửi các Sở ban ngành và UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bây giờ, nhiều doanh nghiệp phải đi mua nguyên liệu trôi nổi, không có nguồn cung ổn định. Trước đây, giá đất đỏ chỉ 120.000 đồng/tấn thì nay đã tăng lên 800.000 đồng/tấn, giá đất sét trắng còn đắt hơn nhiều”.

Nói thêm về việc này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp gạch nung đang cạn kho nguyên liệu đất sét, khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ đóng cửa nhà máy. Trong khi địa phương có tới 16 mỏ đất sét, nhưng do quy trình hoàn nguyên, thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ còn nhiều bất cập, nên các mỏ này chưa được khai thác. Điều này có nguy cơ dẫn tới thực trạng các lò gạch không trúng đấu giá mỏ đất, mà mỏ đất lại rơi vào tay các “đại gia” kinh doanh đất, theo cơ chế đấu giá - đấu thầu mỏ đất hiện nay”.

>> Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp FDI đến tìm kiếm cơ hội đầu tư

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Trước khó khăn của ngành sản xuất gạch ngói, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đã thống nhất với các doanh nghiệp sản xuất gạch nung là tỉnh sẽ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, theo phương án mô hình hợp tác xã, hoặc tập đoàn sản xuất… để có đủ năng lực cạnh tranh trong đấu giá quyền khai thác mỏ sét, đồng thời địa phương vận dụng cơ chế chính sách hợp lý, như đưa ra các tiêu chí về khai mỏ sét tại Quảng Ninh phải đáp ứng cho người sử dụng ở địa phương, tránh nguồn đất sét tuồn ra tình ngoài mà cơ sở sản xuất gạch trong tỉnh lại thiếu đất sét, và lập lại quy trình khai thác mỏ sét, khai thác đến đâu hoàn nguyên ngay đến đó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện cũng chỉ đạo các Sở, ngành sớm hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, cấp phép mỏ đất 19,2ha với sản lượng 5 triệu m3 đất sét ở thị xã Đông Triều, để các công ty sản xuất gạch nung tại địa phương chung tay đấu giá quyền khai thác mỏ, phân chia cho các đơn vị nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương rà soát, nắm bắt nhu cầu sử dụng đất sét của các doanh nghiệp theo từng năm và xây dựng các chiến lược dài hạn, báo cáo lại tỉnh để xem xét và đưa ra lộ trình tổ chức đấu giá hợp lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ đạo nói trên của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh là rất kịp thời. Tuy nhiên trong thời gian trước mắt, các Sở, ngành địa phương cần xúc tiến cấp phép ngay mỏ đất 19,2 ha để giúp các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    09:31, 15/07/2023

  • Quảng Ninh: Đầu tư 5.500 tỷ đồng tăng cường kết nối giao thông vùng

    Quảng Ninh: Đầu tư 5.500 tỷ đồng tăng cường kết nối giao thông vùng

    20:35, 13/07/2023

  • Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

    Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

    02:56, 07/07/2023

  • Quảng Ninh: Tạo ra sự đổi mới căn bản trong thu hút đầu tư

    Quảng Ninh: Tạo ra sự đổi mới căn bản trong thu hút đầu tư

    11:17, 02/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cấp bách nguồn nguyên liệu cho gạch ngói Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO