“Chắt lọc” cổ phiếu ngành bán lẻ

DIỄM NGỌC 24/02/2023 04:00

Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng không ít bởi sự suy yếu của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, triển vọng của ngành bán lẻ trong năm nay sẽ là “trong nguy có cơ”.

>>Ngành bán lẻ hút vốn đầu tư ngoại

Bởi vậy, việc sàng lọc cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.


Khó khăn tiếp diễn

Bước sang tuần mới, thị trường chứng khoán có phiên giao dịch tăng điểm đáng chú ý. Lực cầu lan rộng trên tất cả các dòng cổ phiếu, nhờ đó VN-Index tăng 27,38 điểm lên mức 1.086,69 điểm. Đà tăng của thị trường được củng cố khi hầu hết các nhóm ngành đều có sắc xanh.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty LCTV Investment chia sẻ: “Quan điểm của tôi nhất quán là ít nhất từ nay đến tháng 6/2023, xu hướng trung hạn của thị trường sẽ vừa tăng, vừa tích luỹ. Khi đó, VN-Index sẽ đi ngang quanh ngưỡng 1.050-1.100 điểm. Trước diễn biến lãi suất của FED, cũng như sự điều tiết của NHNN ở thời điểm hiện tại thì giá trị hợp lý của VN-Index sẽ loanh quanh ở 1.110 -1.120 điểm, cộng trừ 20 - 30 điểm”.

Đi sâu vào nhóm ngành bán lẻ, giới phân tích dự báo, năm 2023 là năm khó lường khi những khó khăn từ nhu cầu suy yếu và tồn kho cao dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực đến kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay.

Theo SSI Research, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Thế Giới Di Động (MWG) đối với điện thoại di động và điện máy tăng 27% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu mảng này của FPT Retail (FRT) tăng 32% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu mảng này của MWG đã “hạ nhiệt” nhanh chóng trong tháng 10 và tháng 11/2022 khi lần lượt giảm 18% và 22% so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh mức cơ sở so sánh cao trong năm 2021 và nhu cầu yếu bất chấp vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

>>Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023

Tương tự là mặt hàng trang sức, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu vàng tại Việt Nam phục hồi tốt với mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, giá trị tuyệt đối cũng cao hơn những năm trước Covid-19. Sự phục hồi được giải thích do nhu cầu bị dồn nén và nhu cầu mua vàng để tích trữ trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý 3/2022 lại giảm nhẹ so với trước đại dịch.

Đến nay, hầu hết các dự báo hiện nghiêng về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại di động và điện máy có thể ở mức âm trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong nguy có cơ

Các chuyên gia kỳ vọng, những doanh nghiệp lớn sở hữu sức mạnh tài chính, theo đuổi xu hướng tiêu dùng hiện đại sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành trong năm nay, nhưng mức tăng có thể thấp hơn so với mức nền cao của 2022.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Azfin Việt Nam phân tích, năm 2023 kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro về suy thoái, khủng hoảng và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Trong khi Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP đến 200%, nên sẽ bị ảnh hưởng không ít bởi sự suy yếu của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, triển vọng của ngành bán lẻ trong năm nay sẽ là “trong nguy có cơ”.

Cụ thể về cơ hội, thứ nhất, việc Trung Quốc mở cửa và Việt Nam tích cực thúc đẩy lĩnh vực du lịch có thể giúp ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng trong năm 2023.

Thứ hai, đồng USD đã giảm từ cuối quý 4/2022 khiến giá tiêu dùng trở nên hấp dẫn hơn, nhất là với hàng điện tử, hàng nhập khẩu, từ đó có thể kích thích một phần nào đó chi tiêu.

Thứ ba, xu hướng mua sắm hiện đại dần thay thế chợ truyền thống và đang chuyển dịch khá mạnh, đặc biệt trong giới trẻ, tầng lớp mới - tầng lớp tiêu dùng chính của xã hội.

Thứ tư, định giá các cổ phiếu của doanh nghiệp bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn sau giai đoạn vừa qua khi thị trường chứng khoán suy giảm khá mạnh.

Về thách thức, có ba vấn đề lớn mà nhà đầu tư cần quan tâm. Chi tiêu của người dân đã suy giảm từ giữa quý 3/2022 do dự báo kinh tế ảm đạm, xuất khẩu chậm lại và người dân Việt Nam có tính phòng thủ cao. Bởi vậy, họ hạn chế chi tiêu để giữ tiền phòng ngừa những trường hợp khó khăn xảy ra. Nhưng việc chi tiêu tiêu dùng sẽ bùng trở lại rất nhanh khi kinh tế hồi phục.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm, lãi suất cao khiến người dân sẽ hạn chế việc mua trả góp hoặc vay để tiêu dùng. Đặc biệt, Việt Nam là một nền kinh tế dựa vào bất động sản khá nhiều, nên khi giá bất động sản điều chỉnh hoặc ảm đạm thì người dân sẽ hạn chế chi tiêu, vay mượn.

Ngoài ra, hàng xa xỉ có thể bị ảnh hưởng ít hơn do tác động của kinh tế khó khăn đến với tầng lớp thu nhập thấp mạnh hơn là với tầng lớp thu nhập cao. Do đó, chính những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu bị ảnh hưởng nhiều hơn so với những hàng hóa tương đối xa xỉ.

“Trong lĩnh vực này, có những cổ phiếu cần chú ý như PNJ, vẫn hứa hẹn tăng trưởng khoảng 10 - 20% trong năm 2023 do vị thế độc tôn trong lĩnh vực bán lẻ trang sức. Hay cổ phiếu MWG dù có sự chậm lại trong năm 2022 nhưng có thể trở lại tăng trưởng ở mức trên 20% trong năm nay. Và VRE là doanh nghiệp chuyên cho thuê mặt bằng bán lẻ đã trở lại sau dịch Covid-19 với việc gia tăng thêm các trung tâm thương mại, cũng như các diện tích cho thuê, do đó, hiệu quả năm 2023 được dự báo có thể vượt so với mức trước dịch”, ông Đặng Trần Phục nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát thách thức doanh nghiệp bán lẻ

    Lạm phát thách thức doanh nghiệp bán lẻ

    03:10, 09/02/2023

  • Ngành bán lẻ Mỹ có nguy cơ thoái trào

    Ngành bán lẻ Mỹ có nguy cơ thoái trào

    04:00, 02/02/2023

  • Năm 2023 là năm “bản lề” để kinh tế Việt Nam “tăng tốc”

    Năm 2023 là năm “bản lề” để kinh tế Việt Nam “tăng tốc”

    03:30, 19/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Chắt lọc” cổ phiếu ngành bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO