Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, khi làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là chìa khoá khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Báo Công Thương đã tổ chức Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí khơi thông nguồn lực phát triển".
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo thông qua hàng chục Quyết định, Chỉ thị, các văn bản và chương trình mỗi năm. Các đơn vị trực thuộc bộ và các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu đã vào cuộc triển khai tích cực. Từ quản lý chặt chẽ nguồn chi ngân sách, chi đầu tư công; đẩy mạnh tiết kiệm các loại chi…đến tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu sản xuất…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,, người dân..; sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả, khoa học hợp lý… Nhờ đó đã tiết kiệm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
“Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.
Là Tập đoàn nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý ngành của Bộ Công Thương, chỉ trong thời gian hơn 7 tháng, dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dài hơn 500 km, đi qua 9 tỉnh, với khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành, tạo nên một kỳ tích mới không chỉ của ngành, mà còn của đất nước; Dự án cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm lấy làm hình mẫu trong việc triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.
Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, nếu như đường dây 500kV mạch 1 phải mất 2 năm, mạch 2 dài hơn 700km mất gần 3 năm, đường dây 500kV Vĩnh Tân – Vân Phong dài hơn 100km cũng mất 1,5 năm thì đường dây mạch 3 chỉ mất gần 7 tháng.Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã mang lại nhiều hiệu quả và kết quả rõ rệt, đặc biệt là trong việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Cụ thể, việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp phân bổ lại tải giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả truyền tải. Giúp tăng kết nối, huy động các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm lãng phí nguồn điện này. Đồng thời giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn phát điện đắt đỏ như điện than, dầu; giảm chi phí hệ thống… góp phần giảm ô nhiễm môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu; giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh; hiện thực hoá mục tiêu cam kết phát thải ròng và phát triển bền vững của quốc gia”.
Kết quả trên cũng là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công Thương, sự tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của EVN/EVNNPT và các nhà thầu. Nó còn là minh chức cho tinh thần chung sức đồng lòng, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
TS. Nguyễn Xuân Trường Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương cho biết để nâng cao hiệu quả phòng, chống lãng phí, góp phần tích lũy, gia tăng tiềm lực phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống lãng phí. Trong đó, tập trung tuyên truyền về các nội dung: hậu quả, tác hại của lãng phí; ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống lãng phí đối với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí; nội dung phòng, chống lãng phí gắn với từng lĩnh vực cụ thể; cách thức thực hiện phòng, chống lãnh phí.
Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về công tác phòng, chống lãng phí, hình thành phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày””.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng, bổ sung thể chế về phòng, chống lãng phí, trong đó, quy định về hành vi lãng phí cần tập trung phòng, chống; trách nhiệm của ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong phòng, chống lãng phí; phạm vi phòng, chống lãng phí; nội dung phòng, chống lãng phí; xử lý tổ chức, cá nhân gây lãng phí, thiệt hại cho Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Ban hành, thực hiện hướng dẫn nêu trên bảo đảm thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về phòng, chống lãng phí.
Thứ ba, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi gây lãng phí lớn tài sản công. Đảm bảo mọi hành vi lãng phí đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Người có hành vi gây lãng phí giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, phải bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng phòng, chống lãng phí trên cơ sở kiện toàn bộ máy từ trung ương tới địa phương.