Trước hiện trạng số vụ kiện phòng vệ thương mại ngày một gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, việc chú trọng cảnh báo sớm sẽ giúp các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực cần thiết để ứng phó...
>> Cần lưu ý gì từ xu hướng điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ?
Số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 9/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phát sinh 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Chia sẻ về thực tế đã nêu, đại diện Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, sự xuất hiện của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), cùng với việc tăng cường bảo hộ thương mại đã dẫn đến sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyền tải bất hợp pháp.
Ngoài ra, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực tế, bên cạnh các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - ba sa, máy xịt rửa áp lực cao… thời gian qua, ngành nhôm Việt Nam cũng thường phải đối diện với một số vụ việc về phòng vệ thương mại, trong đó, nổi bật là việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AD05). Đáng nói, các doanh nghiệp Mỹ cũng đã khởi kiện các sản phẩm nhôm đùn ép và sau đồn ép có xuất xứ từ Việt Nam.
>>Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
Theo ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam, cả hai vụ việc này đều tác động lớn với các doanh nghiệp ngành nhôm trong nước.
“Các thị trường EU và Mỹ liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, mới đây nhất Mỹ chính thức khởi kiện nhôm của Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá đề xuất 53,7%, điều này sẽ tạo ra khó khăn lớn cho các doanh nghiệp ngành nhôm trong việc giữ thị trường, hay chuyển sang thị trường khác”, ông Phụ chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay, thép là một trong những ngành hàng xuất khẩu điển hình thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo ông Đa, qua theo dõi diễn biến gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam nhận thấy, các vụ kiện phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều loại hàng hoá khác không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Australia, châu Âu… mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
“Điều đó cho thấy xu hướng rất rõ là trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào”, ông Đa chia sẻ.
Để phòng tránh những rủi ro cho doanh nghiệp, xoay quanh vấn đề đã nêu, chuyên gia cho hay, cơ chế cảnh báo sớm có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội, trong ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại hiện tại cũng như trong tương lai.
Theo bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, công bố cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp, theo dõi.
“Khi nhận được những danh sách này thì doanh nghiệp đầu tiên nên rà soát xem là trong danh mục có những mặt hàng mình đã xuất khẩu hay không? Những thị trường mà mình đang xuất khẩu có phải là những thị trường bị điều tra nhiều hay không”, bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, doanh nghiệp có thể nghe ngóng từ nhiều nguồn, từ chính các nhà nhập khẩu của mình. Đồng thời, cần cập nhật thông tin liên quan đến các vụ kiện từ các văn phòng luật sư hay từ chính các cơ quan phòng vệ thương mại từ hiệp hội… sự chuẩn bị này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nhiều hơn, tốt hơn về cả nguồn lực, kiến thức quy định pháp luật của nước sở tại.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm và lắng nghe theo dõi diễn biến của các vấn đề liên quan đến kiện phòng vệ thương mại để có sự phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục Phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, hiệp hội cần cử ra một đầu mối để thường xuyên liên lạc với cơ quan quản lý về phòng vệ thương mại; thiết lập một kênh trao đổi thông tin xuyên suốt nhằm không để lỡ thông tin nào về các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
“Như vậy, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa doanh nghiệp, ngành hàng sẽ có sự chủ động ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại một cách hiệu quả; đặc biệt là tránh được các thiệt hại, cũng như các ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu”, vị này bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cần lưu ý gì từ xu hướng điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ?
01:30, 12/11/2023
Thép, sợi, gỗ…đối mặt điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì?
12:58, 02/10/2023
Chủ động “cuộc chơi” phòng vệ thương mại
01:23, 01/08/2023
Doanh nghiệp phải “thích nghi” với phòng vệ thương mại
03:04, 23/07/2023
Tăng cường nguồn lực cho… phòng vệ thương mại
04:00, 19/01/2023