Còn mãi nụ hôn cuối cùng

Hà An 09/02/2019 11:00

Tôi đã từng chứng kiến những nụ hôn của tình yêu đôi lứa, của tình mẫu tử, nhưng khi chứng kiến “nụ hôn cuối cùng” của một người vợ hiến tạng chồng, của người mẹ hiến giác mạc con, lòng tôi thắt lại…

Dòng chảy ấy cứ len lỏi tận cùng mọi ngóc ngách tâm hồn tôi, đánh thức lòng trắc ẩn, khiến tôi không ngăn được dòng nước mắt cứ chực trào ra nơi khoé mắt. Tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống này còn rất nhiều tấm lòng cao cả, nhiều sự hi sinh âm thầm mà thiêng liêng.

Nụ hôn cuối cùng chị Phương dành cho chồng là anh Dương Hồng Quý trước khi thực hiện nghĩa cử hiến tạng cứu người.

Nụ hôn cuối cùng chị Phương dành cho chồng là anh Dương Hồng Quý trước khi thực hiện nghĩa cử hiến tạng cứu người.

Cuộc đời cho đi, cuộc đời ở lại

Đó là sự hi sinh của chị Hoàng Thanh Phương - vợ anh Dương Hồng Quý, 43 tuổi ở Ninh Bình, người vừa hiến 6 tạng cứu sống 5 người bệnh nặng nằm mòn mỏi chờ phép màu: Được ghép tạng!

Giây phút sinh ly, tử biệt, người vợ hết lòng yêu thương chồng ấy đã nén lại những đau đớn để ký vào tờ giấy đăng ký hiến tạng nhằm thực hiện ước nguyện của chồng khi còn sống.

Chắc hẳn bất cứ ai trong giây phút chia lìa ấy đều muốn níu giữ lại những điều thật trọn vẹn. Chị đã suy nghĩ rất nhiều, đấu tranh rất nhiều, dằn vặt, đau khổ rất nhiều. Rồi chị đã thuận theo ước nguyện của anh, để anh được ra đi thanh thản và cũng để anh được tiếp tục sống theo một cách khác.

Đôi mắt đẫm lệ, chị đã nhìn anh âu yếm như để khắc ghi thêm lần nữa gương mặt người chồng yêu quý gắn bó suốt mấy chục năm qua để cùng nhau xây dựng một mái ấm hạnh phúc. Và trước giờ phút chia xa, chị đã đặt lên môi anh nụ hôn nồng ấm như để sưởi ấm trái tim anh và cũng để nhắn nhủ anh hãy yên lòng.

Sau khi hoàn thiện thủ tục, ngày 12/12/2018, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hoàn tất quá trình lấy-ghép các bộ phận: Tim, 2 lá phổi, gan, 2 thận của anh Quý để ghép cho 5 người khác ngay tại bệnh viện.

Điều ấn tượng hơn nữa, đây không chỉ là ca ghép đa tạng hiếm hoi mà còn là lần đầu tiên kỹ thuật được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sỹ Việt Nam; và là lần đầu tiên thực hiện đồng thời tại chỗ các thủ tục lấy-ghép tạng thành công.

Đầu tiên, một cháu trai 17 tuổi mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối, nhờ có 2 lá phổi của anh Quý, đã được ghép tạng với diễn biến hậu phẫu rất thuận lợi.

Tiếp đó là một người đàn ông 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối cũng sống mòn chờ ghép; Đó là một người phụ nữ 63 tuổi, mắc bệnh u gan đã được cứu sống; Đó là một người đàn ông 41 tuổi cùng một cháu bé 15 tuổi suy thận giai đoạn cuối cũng có cơ hội sống tiếp quãng đời còn dài phía trước...

Có thể bạn quan tâm

  • Hiến tạng cứu người: Thông điệp sống “bất tử”!

    05:31, 28/12/2018

  • Con trai bầu Hiển: Không buồn nếu bố hiến tặng tài sản cho xã hội

    11:18, 13/06/2016

Sống mãi những “chiến binh”

Trong những lát cắt của chặng đường ghép mô, tạng từ người cho chết não, bác sỹ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đã chứng kiến những người mẹ vượt lên nỗi đau, mong muốn con mình tiếp tục được nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp này. Họ đã hiến giác mạc của con và giúp cho những người khác có cơ hội tìm lại ánh sáng sau chuỗi ngày dài sống trong tăm tối.

Nụ hôn của người mẹ dành cho cháu bé Mai Reon khiến các bác sỹ không cầm được nước mắt.

Nụ hôn của người mẹ dành cho cháu bé Mai Reon khiến các bác sỹ không cầm được nước mắt.

Sau bé Hải An (7 tuổi), bé Vân Nhi (12 tuổi), mới đây nhất, bé Mai Reon có bố là người Việt, mẹ là người Nhật đã được bố mẹ hiến giác mạc khi không may bị tai nạn không qua khỏi.

Thông qua mạng xã hội, người bố ngỏ ý muốn hiến giác mạc của con. Tiếp nhận thông tin này, bác sỹ Hoàng cùng đồng nghiệp đã hối hả lên đường đến Phú Thọ - quê hương của người bố cháu Mai Reon.

Bác sỹ Hoàng nhớ lại: Khi chứng kiến người mẹ trẻ cúi xuống ôm, hôn tạm biệt con và thì thầm "Chiến binh của mẹ! Con giỏi và kiên cường lắm, giờ hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé chàng trai", nhiều người trong phòng hồi sức tích cực đều không cầm nổi nước mắt.

“Là người trực tiếp thực hiện thủ thuật lấy giác mạc cho bé, khi mọi việc hoàn tất, tôi thấy bố mẹ cháu bé vẫn đứng đó. Trong tận cùng nỗi đau của sự mất mát, bố mẹ cháu vẫn nở nụ cười mãn nguyện vì nguyện vọng của họ và con trai đã được thực hiện. Nhờ giác mạc của bé mà 2 người khác đã có cơ hội nhìn lại cuộc đời”, bác sỹ Hoàng xúc động.

Những “nụ hôn cuối cùng” mà tôi, bác sỹ Hoàng và những ai được chứng kiến không chỉ là chuyện hiến giác mạc, hiến tạng... của những người mẹ, người vợ... đã mang ánh sáng và sự sống cho nhiều người, trên hết, đó là tình yêu, tình người, là cảm hứng của sự tử tế được lan tỏa đến mọi người xung quanh. Như bác sỹ Hoàng cho biết, từ quyết định hiến giác mạc của bé Hải An, đến nay đã có đến hơn 1.300 đơn đăng ký. Ngay cả mẹ của bé cũng đã hoàn tất việc đăng ký giác mạc của mình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Còn mãi nụ hôn cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO