Theo Visa, công nghệ thanh toán không tiếp xúc của Việt Nam đã và đang có sự tăng trưởng vượt bậc.
Báo cáo của Visa vừa công bố các số liệu nghiên cứu thể hiện nhận định này. Trong đó, các số liệu cho thấy ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng “quay lưng” với tiền mặt và lựa chọn thanh toán không tiếp xúc với mục đích tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Báo cáo về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa được tiến hành trên 4,000 người tiêu dùng tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tháng 7/2017.
Theo đó, các kết quả thu thập được - tạo dữ liệu VisaNet từ tháng 7/2017 đến 31/5/2018 ghi nhận tổng số lượng giao dịch không tiếp xúc tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao với tốc độ ổn định ở mức 44% mỗi tháng trong giai đoạn này. Đồng thời, tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa không tiếp xúc vẫn tiếp tục tăng đều 43% mỗi tháng cùng kỳ.
Ông Sean Preston - Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, chia sẻ: “Người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ và cả các tổ chức tài chính tại Việt Nam đang nắm bắt rất tốt các khái niệm phi tiền mặt. Hiện nay, chúng tôi đang ghi nhận những tín hiệu cực kì tích cực trong việc đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam. Cụ thể, người Việt đang dần hiểu rõ hơn về những lợi ích, tính bảo mật và sự tiện lợi mà công nghệ này mang lại trong các giao dịch hàng ngày”.
Với ba ngân hàng đối tác phát hành thẻ không tiếp xúc, người dùng Việt Nam hiện đã có thể dễ dàng áp dụng một phương thức thanh toán mới, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn tại các nhà hàng, siêu thị và các đơn vị bán lẻ như KFC, Saigon Coop, BigC và Nguyễn Kim.
Cũng theo Khảo sát về Thái độ thanh toán người tiêu dùng do Visa thực hiện, hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai. Trong đó, sản phẩm thời trang và làm đẹp là nhóm mặt hàng chính được thanh toán bằng phương thức không tiếp xúc.
Được công nhận là một công cụ thay thế cho tiền mặt, công nghệ không tiếp xúc đang không ngừng chuyển dịch bối cảnh thanh toán tại các cửa hàng hiện nay, tạo điều kiện cho những phát triển đột phá đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công nghệ thanh toán không tiếp xúc mang đến cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch an toàn và nhanh chóng hơn, hỗ trợ đơn vị phát hành thẻ giải pháp cải thiện doanh số và chất lượng dịch vụ cũng như phát huy năng suất quầy thanh toán cho các đơn vị bán hàng.
Trước đó, năm 2017, ngành công nghiệp thẻ và thanh toán không tiếp xúc tay (hands free) được dự báo sẽ trở thành xu hướng phổ biến ở Việt Nam, với nhận thức thị trường thanh toán phi tiền mặt sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi định hướng và các chính sách của nhà quản lý, cùng như sự bùng nổ nhu cầu mua sắm thương mại điện tử và thanh toán không tiếp xúc.
Một thống kê khác cũng từ Visa, khá thú vị và cập nhật, cho thấy, công nghệ thanh toán không tiếp xúc cũng đang vô cùng được người dùng ưa chuộng tại mùa FIFA World Cup 2018 đang diễn ra. Theo đó, với vị trí là đối tác thanh toán chính thức của Fifa World Cup 2018, Visa đã thu thập và phân tích chi tiêu khách du lịch nước ngoài trong những ngày khai mạc kỳ World Cup 2018. Thống kê cho thấy tại 11 thành phố tổ chức của Nga, gần 1/5 (khoảng 17%) các khoản thanh toán Visa được thực hiện bằng công nghệ không tiếp xúc như qua điện thoại, vòng tay và nhẫn.
Trên dự báo toàn cầu, một ước tính từ tổ chức Juniper Research cũng cho biết sẽ có khoảng 440 triệu người sử dụng dịch vụ di động không tiếp xúc vào năm 2018. Tổng giá trị các giao dịch thanh toán không tiếp xúc trên thiết bị di động sẽ vượt quá 1 nghìn tỷ USD trong năm nay. Con số này bao gồm cả thẻ thanh toán, thiết bị đeo và điện thoại di động.