Kể từ thế kỷ XVIII đến nay, Hội Lim vẫn luôn làm náo nức các du khách gần xa mỗi khi về đây trẩy hội. Trải qua hơn 300 năm, Hội Lim vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và văn hóa.
>>> Tour du lịch tâm linh, lễ hội sôi động
Khơi dậy lòng tự hào quê hương Kinh Bắc
Hội Lim vốn là lễ hội dân gian tiêu biểu nhất của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc (xưa) và ngày nay đang trở thành lễ hội lớn với quy mô quốc gia, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức thường niên vào ngày 13 tháng Giêng nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; khơi dậy lòng tự hào quê hương, dân tộc trong mỗi người con Bắc Ninh. Qua đó, lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người quê hương Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế. Năm nay, Hội được tổ chức trong 2 ngày từ 21 – 22/02/2024, đã thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương du Xuân, trảy hội, nghe Quan họ.
Theo Ban tổ chức Lễ hội, mặc dù 2 ngày diễn ra lễ hội năm nay không vào cuối tuần, thời tiết có lúc mưa nhỏ nhưng Hội Lim 2024 vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân quanh vùng và du khách trên cả nước. Nhờ chuẩn bị chu đáo, các nghi lễ và hoạt động hội diễn ra trang nghiêm, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người dân.
Lễ hội diễn ra với phần lễ tổ chức dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim vào ngày 12 tháng Giêng. Đến ngày 13 tháng Giêng, lễ hội tiến hành rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, xã Liên Bão, thị trấn Lim, huyện Tiên Du.
Cùng với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm đồi Lim và khu vực hồ điều hòa Vân Tương với nhiều trò chơi dân gian như: hát đối đáp quan họ, hát canh quan họ, đu tiên, vật truyền thống, múa rồng, múa lân, bịt mắt bắt dê, đập niêu… Ban Tổ chức chú trọng lựa chọn các câu lạc bộ quan họ biểu diễn tại lễ hội với các liền anh, liền chị ở làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, quan họ ngoài tỉnh. Nghệ nhân tham gia hát giao lưu quan họ tại các lán trại bao gồm 12 lán… tạo thêm không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, cổ vũ động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
>>> Phát triển nguồn nhân lực cho lưu trú, khách sạn
>>> Tăng giải pháp “hút” khách du lịch quốc tế
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, du lịch
Được biết đến là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong hành trình khám phá những miền di sản đặc sắc của Việt Nam, hàng năm, Bắc Ninh đón một lượng khách tương đối lớn, chủ yếu là khách tham quan, lễ hội, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa... tập trung đông nhất vào mùa lễ hội. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, những năm gần đây, nhu cầu khách du lịch tới tỉnh này đang có xu hướng mở rộng, chủ yếu tìm hiểu, thưởng thức Di sản dân ca Quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác kết hợp tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, Hội Lim là lễ hội lớn của quê hương quan họ Bắc Ninh, nhằm phát huy các giá trị truyền thống, khơi dậy lòng tự hào về văn hóa lâu đời của quê hương Kinh Bắc, quảng bá hình ảnh và con người Bắc Ninh đến du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Lim hiện nay càng có ý nghĩa và giá trị hơn khi quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thông qua Lễ hội Lim, chúng ta tôn vinh giá trị truyền thống của cha ông cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời thể hiện trách nhiệm với di sản văn hóa của nhân loại.
“Thực tế cho thấy, du khách đến tham quan, trải nghiệm, thụ hưởng giá trị di sản sẽ mang theo nhiều lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ thôi thúc chính quyền và người dân địa phương biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của ông cha mà du lịch di sản còn đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo việc làm, cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh” – ông Hùng cho hay.
Theo các chuyên gia, Bắc Ninh có lợi thế lớn về phát huy tiềm năng du lịch gắn với các di sản văn hóa. Do đó, yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có vai trò quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh. Vấn đề đặt ra là làm sao định lượng đúng giá trị của di sản để thiết lập cơ chế đầu tư, khai thác phù hợp nhằm bảo đảm cân bằng hài hòa, bền vững giữa phát triển và bảo tồn. Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ là động lực để chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội quảng bá sản phẩm OCOP và du lịch
16:32, 22/02/2024
Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024 có gì đặc biệt?
01:20, 22/02/2024
Tour du lịch tâm linh, lễ hội sôi động
02:30, 21/02/2024
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch
03:00, 20/02/2024
Tín hiệu tích cực từ du lịch dịp Tết Nguyên đán
02:00, 18/02/2024