Trước sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, hàng chục đường dây sàn giao dịch forex, tiền ảo trái phép lừa đảo nhà đầu tư từ Bắc vào Nam đã bị đánh sập.
Nhiều đường dây bị đánh sập
Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có nhiều đường dây sàn giao dịch forex, BO (quyền chọn nhị phân) trái phép bị các cơ quan chức năng đánh sập. Nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của những sàn này là vì mức độ sinh lời quá hấp dẫn, có nhiều cá nhân hoạt động với mục đích lừa đảo người tham gia. Chính vì vậy đã biến thị trường thành một kênh đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro và mang hệ luỵ xấu cho cộng đồng.
Đầu tiên, phải kể đến nhóm đối tượng lập ra các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ mang tên Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và nhiều website khác được copy giao diện tương tự giống các sàn forex trên, để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người tham gia. Với sự phối hợp giữa Công an TP Hà Nội cùng Công an TP Hồ Chí Minh khi huy động gần 300 cán bộ chiến sỹ, chia thành 21 tổ công tác, đồng loạt triển khai tại 11 tỉnh thành phố đã triệt phá thành công ổ nhóm đối tượng. Đây được xem là vụ án đầu tiên trong cả nước của Bộ Công an bóc gỡ triệt để các đối tượng tham gia sáng lập và điều hành đường dây.
Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã thông tin, mới đây, Cơ quan công an đã bắt giữ và khởi tố nhóm đối tượng lừa đảo trên sàn giao dịch Hitoption, do hai đối tượng Nguyễn Thế Dương (SN 1996) và Nguyễn Văn Quyền (SN 1988) thiết lập. Những sàn giao dịch này sử dụng chế độ BOT (chơi tự động) để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch, đồng thời có thể can thiệp vào việc đặt lệnh để làm cho khách hàng thắng hoặc thua theo ý muốn của chủ sàn.
Từ kết quả đấu tranh chuyên án, đến nay đã có hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, BO, tiền ảo, website với hàng chục nghìn người tham gia đầu tư ở các địa phương trong toàn quốc bị đánh sập, không còn hoạt động, nhiều người bị hại đã gửi đơn tố giác lên Cơ quan Công an và đã ngăn chặn được việc rất nhiều người dân bị dụ dỗ, lôi kéo đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, mở rộng chuyên án, khai thác được từ thiết bị điện tử của các đối tượng phát hiện các đối tượng này còn quản trị hơn chục sàn giao dịch khác có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp. Qua trích xuất sơ bộ, 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng. Ban chuyên án tiếp tục phân tích các dữ liệu đã thu thập được để mở rộng đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm.
Một thông tin cũng gây xôn xao cộng đồng đầu tư đó là sàn giao dịch ngoại hối FXTradingmarkets (đầy đủ là FX Trading Markets Limited), từng bị tố cáo lừa đảo do Lion Group đứng sau, đã chính thức sập, trang web giao dịch của sàn này đã không thể truy cập.
FXTradingmarkets tự xưng là một sàn giao dịch ngoại hối, có trụ sở ở 57 phố London, Vương quốc Anh và hiện sở hữu giấy phép từ chính phủ Anh, số 11969799. FXTradingmarkets và Lion Group có mối quan hệ với nhau. Theo Lion Group, nhà đầu tư bỏ ra tối thiểu là 1.000 USD và giao dịch đã có ban chuyên gia của sàn FXTradingmarkets thực hiện với mức lãi mỗi ngày 0,8 - 1%, mỗi tháng lãi từ 20 - 24%, cam kết chỉ thắng chứ không thua. Ngoài ra, những thành viên cũ mời chào nhà đầu tư mới tham gia sẽ được chia hoa hồng theo mô hình đa cấp. Số lượng thành viên tham gia sàn này tự giới thiệu hơn 60.000 người trên cả nước.
Công an TP HCM đã cảnh báo, các đối tượng quản trị sàn FXTradingmarkets đang có dấu hiệu tạo lập sàn giao dịch ngoại hối mới tại địa chỉ website sp500stock.com đăng ký ẩn danh từ cuối năm 2020 với giao diện và chức năng tương tự sàn FXTradingmarkets.
Nâng cao cảnh giác
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính số cho biết, ngoài những sàn giao dịch nêu trên, còn một cơ số những sàn ngoại hối khác cũng có các dấu hiệu vi phạm, gây rủi ro cao cho người tham gia như: Sàn Facebook Group Investment/Profits, FBO Trading Signals & Bitcoin investments không cho nhà đầu tư rút tiền. Sàn ECN Capital không tuân thủ quy định của cơ quan tài chính CySEC; Sàn GBCFX không rút được tiền; Sàn Forex365Options hay phát sinh phí không có trong điều khoản ban đầu; Sàn OT Capital nhận cảnh báo từ cơ quan tài chính ASIC; Sàn EU Capital bắt nhà đầu tư phải nạp tiền quá nhiều lần để nuôi lệnh, giữ và gồng lệnh; Sàn BlueTrading bị FCA cảnh báo vì làm giấy phép giả mạo; Sàn OptionRally bị tước giấy phép hoạt động; Sàn Realmarketslive.com bị cơ quan tài chính Mexico cảnh báo về việc hoạt động khi chưa được cấp phép;...
“Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi. Các đối tượng phạm tội này vừa có kiến thức về tài chính, vừa sử dụng công nghệ cao, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người chơi, Việt Nam lại chưa có hành lang pháp lý về forex và tiền ảo; các đối tượng đã thuê các máy chủ ở nước ngoài và sử dụng các dịch vụ che giấu hành vi phạm tội của các công ty công nghệ hàng đầu như Google cloud, Cloudflare, Namechip...”, vị chuyên gia cho biết.
Theo phân tích của Luật sư Duyên Trần, công ty Luật FDVN, lừa đảo dưới hình thức tiền ảo, forex tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước, đánh vào lòng tham của người chơi.
Mặt khác, rửa tiền cũng là hoạt động dễ xảy ra thông qua các sàn giao dịch như trên, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Khác với kiểu giao dịch truyền thống là chuyển tiền qua trung gian ngân hàng rất dễ bị phát hiện do cơ chế báo cáo, kiểm soát giao dịch đáng ngờ theo Luật phòng, chống rửa tiền 2012, việc chuyển tiền bẩn thành đồng tiền điện tử, tiền ảo được thực hiện rất dễ dàng và rất khó bị phát hiện trên môi trường công nghệ số bởi đặc tính ẩn danh của mạng lưới tiền ảo, không thể biết ai là người gửi tiền và ai là người nhận tiền.
Cũng chính vì tính chất ẩn danh mà đồng tiền này tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp. Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền ảo, rồi thông qua các sàn giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trong thời gian ngắn và hầu như là không để lại dấu vết. Thực tế, khi giao dịch tiền ảo, không một cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hoá như thế nào, nguồn gốc của số tiền từ đâu, do đó nó sẽ làm tăng nguy cơ rửa tiền bằng hình thức tiền ảo.
Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện nay trên cả nước có khoảng 240 sàn giao dịch forex trái phép, của gần 100 đối tượng trong nước cầm đầu, có liên kết với các tổ chức quốc tế. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh: "Các trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng sử dụng hình thức đầu tư, kinh doanh môi giới này và các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đủ căn cứ thì cơ quan công an có thể tiến hành xử lý hình sự".
Có thể bạn quan tâm