Nhiều người thiếu kiến thức về đầu tư tài chính, chứng khoán nhưng muốn sớm “thay vận đổi đời”, do đó, các đối tượng lừa đảo chỉ dùng vài chiêu trò để dụ dỗ, các nạn nhân này đã “rồng rắn” dính bẫy…
Theo đó, thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại cũng là lúc các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để lôi kéo những người thiếu hiểu biết tham gia đầu tư. Thực tế đã có hàng loạt nạn nhân “sập bẫy” lừa và bị chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng...
>>Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Rủ rê đầu tư… lợi nhuận “khủng”
Anh Lê Thái Thịnh (quận Hà Đông, Hà Nội), một nạn nhân của “Quỹ đầu tư MBK” chia sẻ: “Tôi là một trong số hàng nghìn nạn nhân bị chúng lừa đảo. Chúng sử dụng thủ đoạn là tạo tài khoản Facebook ảo với hồ sơ cá nhân rất hoành tráng. Họ chủ động kết bạn, làm quen với tôi. Hầu như ngày nào họ cũng nhắn tin hỏi han, quan tâm và lôi kéo tôi tham gia đầu tư tiền ảo trên sàn giao dịch của họ để kiếm lợi nhuận lớn. Thậm chí, họ còn hỗ trợ tôi tiền ban đầu để tham gia đầu tư”.
Theo anh Thịnh chia sẻ, khi đã chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng tiếp tục dẫn dụ người chơi bỏ ra số tiền đầu tư lớn. Ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền không đáng kể. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đầu tư số tiền lớn thì những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc thanh toán tiền lãi nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Cũng “dính” chiêu lừa tương tự, anh Lê Quang Đăng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, vào khoảng tháng 7/2023, anh Đăng có kết bạn với một người tên Minh Hằng từ mạng xã hội Facebook. Hằng cho hay, có một người bạn thân sống bên Hàn Quốc, có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tài chính và là nhân viên của Ngân hàng Hana Bank - nền tảng tài chính quốc tế online.
Sau một thời gian trò chuyện, anh Đăng ngày càng trở nên thân mật, gần gũi với Hằng. Hằng đã tạo cho anh Đăng một tài khoản giao dịch trên ứng dụng và chỉ cần làm theo là có thể kiếm tiền lãi từ 10 đến 20% tùy vào số tiền mỗi lần đầu tư nhiều hay ít. Trong quá trình chơi, sẽ được bạn của Hằng gửi cho những mã “ngon ăn” nhất. “Vì tin tưởng lại đầu tư có lợi nhuận cao, tôi đã thử giao dịch số tiền ban đầu là 30 triệu đồng và nhận được số tiền lời là 3 triệu đồng. Hôm sau, tôi đã quyết định đầu tư thêm 200 triệu, không ngờ tôi lại nhận được luôn tiền lãi 20 triệu đồng vào tài khoản cá nhân. Tôi chơi tiếp lãi được khoảng hơn 60 triệu đồng nên càng tin tưởng”, anh Đăng cho biết thêm.
Sau khi anh Đăng đã “cắn câu”, Hằng chủ động nói với anh Đăng chơi lớn với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khi đang tiến hành giao dịch thì hệ thống báo hết giờ chơi. Ngày hôm sau, Hằng nói đã nộp thêm cho anh Đăng 50 triệu để gia hạn 3 ngày và anh Đăng muốn giữ được số tiền cả gốc lẫn lãi phải bỏ thêm 300 triệu đồng và được nâng cấp lên thẻ VIP 1, sau đó mới rút được tiền về. Tới lúc này, anh Đăng biết mình bị lừa nên đành chấp nhận bỏ cuộc.
Đáng chú ý, làn sóng “đầu tư tài chính online” không chỉ “hoành hành” tại các đô thị lớn, hiện nay ở các tỉnh miền núi đã có rất nhiều nạn nhân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo với kịch bản tương tự. Cơ quan chức năng cho biết, tại tỉnh Đắk Lắk đã có 40 nạn nhân bị lừa hơn 64 tỉ đồng.
Theo đó, ngày 2/1/2024 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị này đang điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua mạng xã hội với quy mô lớn bằng hình thức kêu gọi “đầu tư tài chính” rồi chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của các nạn nhân.
Cụ thể, vào tháng 3/2023, chị D. (ngụ TP Buôn Ma Thuột) thấy trang tin quảng cáo trên mạng xã hội Facebook có nội dung “Không ai phá sản với 300.000 đồng nhưng với 300.000 đồng bạn đầu tư, bạn có thể kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày”. Tò mò, chị D. bấm vào xem và để lại thông tin thì có người lạ kết bạn Zalo mời gọi đầu tư. Chị D. làm theo hướng dẫn, nạp thử số tiền 300.000 đồng thì nhận được số tiền 500.000 đồng.
Sau đó, chị D. được đối tượng hướng dẫn, mời gọi tham gia gói đầu tư 100 triệu đồng sẽ được nhận 4,8 tỉ đồng. Thấy kiếm tiền quá dễ dàng, chị D. nạp tổng cộng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị chiếm đoạt.
>>Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
Cẩn trọng “bạn mới quen”!
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về những vụ lừa đảo này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cho biết, văn phòng của anh đã nhận được hàng trăm cuộc gọi của nạn nhân nhờ tư vấn pháp lý. Cũng theo luật sư Tuấn, trong hầu hết các vụ việc, thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo tài khoản Facebook, Zalo "ảo" với hồ sơ cá nhân giàu có, công việc ổn định rồi kết bạn, làm quen. Sau đó, bọn chúng nhắn tin chia sẻ, hỏi han, quan tâm và lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư tiền ảo trên một số sàn giao dịch (trên điện thoại di động) để kiếm lợi nhuận cao.
“Để tạo sự tin tưởng, bọn lừa đảo thậm chí còn hỗ trợ nạn nhân tiền để tham gia đầu tư. Khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo dẫn dụ người chơi bỏ tiền ra để đầu tư. Bên cạnh đó, các nạn nhân sẽ nhận được lợi nhuận vài lần giao dịch với số tiền đầu tư nhỏ. Thế nhưng khi họ đã đầu tư số tiền lớn, những kẻ lừa đảo lại đưa ra nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân và "cao chạy xa bay"”, luật sư Tuấn chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, không có công ty chứng khoán chính thống, uy tín nào cam kết lãi cho nhà đầu tư. Nếu có đối tượng nào nhận cam kết đầu tư là lãi, siêu lãi, nhà đầu tư cần cẩn trọng. Rất nhiều hình thức lừa đảo, nhưng đặc điểm chung vẫn là đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nhà đầu tư.
Các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi nhưng nếu cảnh giác, nhà đầu tư sẽ không rơi vào bẫy. Chẳng hạn, đến nay chứng khoán Việt Nam vẫn chưa cho phép giao dịch T+0. Do đó, việc các mã chứng khoán được quảng cáo là sẽ mua với giá thấp hơn giá niêm yết trên sàn cơ sở, cộng với việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân... đều là những dấu hiệu lừa đảo cần được chú ý.
Ngoài ra, luật sư Tạ Anh Tuấn cũng cho biết, các công ty chứng khoán chủ yếu thành lập các "room" cộng đồng miễn phí, nơi nhà đầu tư được hỗ trợ về kỹ thuật và có diễn đàn để chia sẻ chứ không hô hào mua bán cổ phiếu. Các công ty chứng khoán cũng không có "chuyên gia báo lệnh" hay triển khai các hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư" với lợi nhuận cam kết "trên trời".
“Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các "room chat” hô hào đầu tư, khoe lãi liên tục, đưa thông tin giật gân chưa được kiểm chứng... để không bị các đối tượng mạo danh lừa đảo”, luật sư Tạ Anh Tuấn cảnh báo.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
00:30, 18/02/2024
Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
00:06, 07/02/2024
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán 2024
03:00, 31/01/2024
Cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
03:30, 06/01/2024