Thị trường chứng khoán tăng phi mã, nhưng trong xu hướng uptrend, không phải nhà đầu tư cũng có lời.
VN-Index tăng 24,49 điểm (1,65%) lên mức 1.509,54 điểm, thành công đứng tại mức điểm cao nhất hơn 3 năm, kể từ phiên 6/4/2022, tại phiên giao dịch 22/7.
Như vậy, sau những phiên "vượt dốc" bất thành và rung lắc mạnh tại, VN-Index đã đến mốc mà nhà đầu tư vô cùng mong đợt. Đi cùng một đỉnh cao vừa được lấy lại, nhiều nhà đầu tư cũng tranh thủ "xả hàng" chốt lời. Tâm điểm xả hàng rơi vào nhóm VJC, SSI, SHB, cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ đã ghi điểm tích cực cho VN-Index như VIC, VHM, VCB, VJC, HDB, HVN, EIB, GEX, FPT...
Thay cho chỉ "xả hàng" ngắn hạn, làm sao để chốt lời trong uptrend, rút kinh nghiệm gì từ các bài học đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) huyền thoại, và áp dụng ra sao với thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) dẫn một ví dụ, nhà đầu tư Stanley Druckenmiller trong 30 năm mỗi năm trung bình sinh lời 30%, không có năm nào lỗ - được coi là giỏi hơn cả George Soros: vừa giỏi cả vĩ mô lẫn phân tích kỹ thuật.
Trên thị trường tài chính quốc tế, Stanley Druckenmiller, tỷ phú người Mỹ, được biết với biệt danh "cỗ máy kiếm tiền". Ông từng là Chủ tịch của Duquesne Capital, ở thời điểm 2010 từng quản lý tổng tài sản 12 tỷ USD.
Trong khi ông Stanley Druckenmiller được xem là "cánh tay trái" của George Soros, một "trò giỏi hơn thầy", thì George Soros đến nay vẫn là một huyền thoại đặc biệt, một "Phù thủy Phố Wall".
George Soros là nhà đầu tư người Mỹ gốc Do Thái và là nhà sáng lập quỹ đầu cơ huyền thoại Soros Quantum Fund. Ông được thế giới biết đến sau vụ bán khống làm sụp đổ đồng bảng Anh năm 1992, sự kiện lịch sử làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. Điều thú vị là đến tháng 3/2025, theo định giá tài sản của Forbes, tỷ phú George Soros đang sở hữu số tài sản ròng 7,2 tỷ USD, xếp thứ 443 trên bảng xếp hạng người giàu và sau ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú từ Việt Nam với số tài sản ròng 7,5 tỷ USD, xếp vị trí thứ 414. Từ tháng 3 đến nay, với VPL lên sàn và sự thăng hoa của "tam mã" VIC, VHM, VRE, con số tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đang tiếp tục tăng thêm giá trị.
Trở lại với bí quyết đầu tư khôn ngoan của các tỷ phú Mỹ, ông Đức phân tích, để đạt được mức sinh lời "mơ ước" 30%/ năm, NĐT cần chú ý một số điểm:
Thứ nhất, tương tự như quỹ Quantum Fund của ông Soros, NĐT cần tránh thua lỗ. Thứ hai, những năm có cơ hội thì phải lãi thật lớn, cố gắng kiếm lợi nhuận từ 80 – 100%. Chỉ có một vài năm Quantum Fund lãi lớn tới 100%, còn đa số chỉ khoảng 5% - 10% nhưng kết quả như vậy đã đủ để trở thành quỹ thành công số một lịch sử.
Khi có thể kiếm lời 100%, NĐT cần quyết liệt để có cơ hội thay đổi tài chính của bản thân. Ông Druckenmiller hay nói câu chuyện của bóng chày: tìm những cú home-run để thay đổi về tài chính. Bởi vậy, khi có bull market như năm nay, NĐT không nên đứng ngoài mà phải cố gắng kiếm nhiều tiền nhất, trước khi phòng thủ vào năm sau.
Khi mua cổ phiếu, ông Druckenmiller thường chốt lời từ 3 – 4 lần và không chốt lời quá sớm. Đây cũng là vấn đề “sướng không chịu được” mà NĐT hay gặp phải: cổ phiếu mới tăng một chút thì đã chốt lời rồi.
Thông thường, ông Druckenmiller sẽ giải ngân rất mạnh ở vùng đáy. Ông không mua cổ phiếu vì giá trị, mà tìm kiếm công ty hưởng lợi từ chu kỳ. Sau khi đã tìm được những cổ phiếu như NVDA, VIC, VHM … thì ông Druckenmiller sẽ mua thăm dò và chỉ mua thêm khi cổ phiếu tích cực.
Sau đó, ông sẽ chốt lời một phần khi cổ phiếu vượt qua các mốc định giá. Đồng thời, ông chỉ chốt lời phần còn lại sau khi thị trường đã tạo đỉnh theo phân tích kỹ thuật. Bài học là khi đã chọn được cổ phiếu xuất sắc, NĐT cần nghĩ rằng cổ phiếu phải tăng trong 9 – 12 tháng. Cổ phiếu giống như một con tàu, nên hiếm dừng lại khi đã khởi hành, trừ trường hợp của cổ phiếu penny.
Khi đã mua đúng, NĐT hay cố gắng nắm giữ trong 6 – 9 tháng thì mới nên bắt đầu chốt lời. Đồng thời, chỉ nên chốt lời khi VN-Index mất xu hướng (mất đường MA50). Ví dụ, trong năm nay, cổ phiếu VIC nhiều lần tăng khiến NĐT tưởng đã đạt đỉnh, nhưng sau đó lại tiếp tục đi lên. Cổ phiếu GEE cũng tương tự, tăng 300 – 400% rồi lại đi lên tiếp. Một khi đã vào xu hướng, rất khó đoán đỉnh của cổ phiếu. Bởi vậy, hãy nghĩ trong 9 – 12 tháng để nắm giữ cổ phiếu và đừng vừa mua vừa bán. Thay vào đó, khi mua xong, hãy nắm giữ và bán ở vùng đỉnh.
Theo ông Đức, ở Việt Nam, NĐT thường không đa dạng hóa nhiều. Đây là điều mà NĐT Việt Nam tốt hơn NĐT quốc tế (mua quá nhiều). Tuy nhiên, nếu mua ít quá thì cũng có vấn đề. Trong danh mục ông Druckenmiller, 10 mã hàng đầu chiếm 60% danh mục và ông kiếm tiềm từ 10 mã này. Tuy nhiên, ông cũng liên tục mua thử, với nhiều mã chỉ chiếm 2% - 3%.
Nếu chỉ cứ tập trung một mã cổ phiếu và không thay đổi dòng, chẳng hạn như đầu tư BĐS vốn hóa lớn mà không chuyển sang vốn hóa nhỏ hay chứng khoán … thì NĐT sẽ không thể đạt tỷ suất sinh lời 100%. Thay vào đó, NĐT cần thay đổi sang mã cổ phiếu mới. Và muốn thay đổi, NĐT cần phải mua thử.
Khi thấy một ý tưởng tốt, hay ho, ông Druckenmiller sẽ mua ngay một số lượng nhỏ: “Một ý tưởng hay thì phải mua ngay, bởi chỉ cần một ngày sau thì cả thế giới có thể biết được về ý tưởng đó”. Khi thấy ý tưởng này được chứng minh bằng giá cổ phiếu đi lên, ông sẽ mua thêm. Thường một cổ phiếu lớn, chủ chốt sẽ chiếm khoảng 20% trong danh mục của ông.
Ngoài ra, ông chỉ tập trung vào hai nhóm ngành tại mỗi thời điểm. Thông thường, ông sẽ dành 70% mua nhóm ngành đầu tiên và 30% mua nhóm ngành thứ hai. Ví dụ, trong giai đoạn gần đây, ông Druckenmiller rất thích câu chuyện AI, nên đã dành 70% để mua cổ phiếu NVDA… và 30% để mua cổ phiếu sức khỏe vì tình trạng người Mỹ béo phì rất nhiều.
Nhìn lại Việt Nam, chuyên gia VPBankS cho rằng, năm nay, NĐT nên "đặt cược" vào hai nhóm ngành, thứ nhất là BĐS, thứ hai là bán lẻ, chứng khoán hoặc BĐS. Tuy nhiên, NĐT chỉ nên chọn hai ngành, tập trung vào hai ngành đó trong cả một năm. Nên tập trung, nhưng không phải vào cổ phiếu mà tập trung vào nhóm ngành hoặc một câu chuyện cụ thể để kiếm tiền.
Ví dụ, hiện nay, một câu chuyện đáng quan tâm là TP HCM sáp nhập tỉnh, vốn đầu tư cao, có nhiều cảng biển. NĐT có thể chọn câu chuyện là TP HCM sau 3 – 4 năm tích nền, tăng trưởng chậm thì có thể bứt phá trong vài năm sắp tới. Kết hợp câu chuyện bứt phá của TP HCM với BĐS, cảng biển hay doanh nghiệp dẫn dắt … Khi thấy một chủ đề đầu tư như vậy, NĐT có thể kiếm được cổ phiếu sinh lời từ 2 – 7 lần.
Cuối cùng, việc thua lỗ với một vài cổ phiếu là chuyện bình thường. NĐT cần nhớ rằng: “Kiếm tiền thì phải kiếm thật nhiều, còn khi mất phải mất ít tiền”. Do đó, khi mua thử mà lỗ, NĐT cần cắt luôn, còn những công ty đã lãi thì phải mua thêm, để khoản lãi lớn hơn. “Thua lỗ với từng cổ phiếu không quan trọng, chừng nào bạn cắt lỗ sớm”.
Thứ hai, NĐT cần theo dõi hiệu suất từng quý và từng năm. Giả sử trong quý III, NĐT mua 2 – 3 cổ phiếu thua lỗ. Nhưng nếu vẫn lãi rất lớn 3 – 4 cổ phiếu, khiến hiệu suất sinh lời theo quý tốt hơn thì trường thì phương pháp đầu tư vẫn chính xác. NĐT chỉ cần theo dõi 3 thời điểm: quý, giữa năm và cả năm. Như vậy, NĐT có thể giải câu chuyện không dám mua thử cổ phiếu. Khi mua thử, đừng suy nghĩ quá ngắn hạn với từng mã cổ phiếu mà nên quan tâm đến quý này có thắng được thị trường hay không.
Quan trọng nhất, khi đã tin tưởng vào một chủ đề, câu chuyện, NĐT cần giải ngân ngay. Đồng thời, đừng đánh giá là đã thua lỗ chỉ sau một vài ngày, mà hãy chờ một quý để đánh giá lựa chọn có xuất sắc hay không. Nếu sau một quý thua kém thị trường, NĐT cần xem xét lại phương pháp có đúng không, ông Nguyễn Việt Đức khuyến nghị.