Đề xuất thu thuế ngay khi nhận cổ phiếu thưởng đang vấp phải ý kiến trái chiều, khi các chuyên gia cho rằng chỉ nên đánh thuế khi có lãi để đảm bảo công bằng và khuyến khích phát triển thị trường.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (Dự thảo). Một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm lớn là đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân ngay tại thời điểm nhà đầu tư nhận cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng, thay vì chờ đến khi các chứng khoán này được chuyển nhượng.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2024, cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán và cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán đã nhận tổng cộng 34,84 tỉ cổ phiếu. Nếu số lượng cổ phiếu này được chuyển nhượng toàn bộ và giá cổ phiếu tính theo mệnh giá (10.000 đồng), với thuế suất 5%, số thuế thu nhập cá nhân tạm ước phải kê khai, nộp khoảng 17.420 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thực tế số thuế được kê khai nộp từ nguồn thu nhập này trong cùng kỳ chỉ đạt khoảng 1.318 tỷ đồng, tương đương gần 8% so với mức ước tính. Thống kê chung cho thấy, trong tổng số 51.965 tỷ đồng thuế thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động đầu tư vốn giai đoạn 2016-2024, phần thu từ cổ tức và cổ phiếu thưởng chỉ chiếm 2,54%.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần tính thuế sớm để chống thất thu và viện dẫn kinh nghiệm quốc tế như Thái Lan, Ấn Độ - các quốc gia đã áp dụng thu thuế tại thời điểm chi trả cổ tức, với mức thuế khoảng 10%.
Tuy nhiên, đề xuất trên đang gây ra nhiều tranh cãi. Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng việc đánh thuế thu nhập cá nhân lên cổ phiếu thưởng là thiếu hợp lý và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo VAFI, hiện nay tại Việt Nam, khi nhà đầu tư cá nhân bán cổ phiếu thưởng, họ phải nộp hai loại thuế gồm 0,1% thuế khoán tính trên tổng giá trị giao dịch và 5% thuế thu nhập cá nhân tính trên mệnh giá cổ phiếu thưởng, bất kể có lãi hay lỗ. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức lại không phải chịu khoản thuế thu nhập cá nhân này, tạo ra sự thiếu công bằng giữa các chủ thể đầu tư.
Trên cơ sở đó, VAFI kiến nghị áp dụng phương pháp đánh thuế trên lợi nhuận thực (Capital Gains Tax - CGT) trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2025. Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị bãi bỏ sắc thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với cổ phiếu thưởng.
Ngoài ra, VAFI đề xuất mức thuế suất áp dụng là 3%, thu theo từng lần bán chứng khoán. Cách tính cũng được đề nghị áp dụng thống nhất cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (không thành lập pháp nhân tại Việt Nam), tương tự như cách thức đang vận hành từ trước đến nay.
“Mức thuế suất 3% là hợp lý để khuyến khích sự phát triển của thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết huy động nguồn vốn lớn từ khu vực dân cư và nhà đầu tư nước ngoài”, VAFI nêu rõ.
Xoay quanh vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với phương án đánh thuế dựa trên thực lãi của nhà đầu tư thay vì trên mệnh giá hoặc giá trị danh nghĩa.
Ông Phương nhận định, đây là một hướng đi tiệm cận thông lệ quốc tế, tương tự như Mỹ và Canada - những quốc gia chỉ thu thuế khi giao dịch chứng khoán mang lại lợi nhuận thực sự. Tuy nhiên, việc xác định lãi - lỗ trong thực tế là không hề đơn giản.
“Hoạt động mua bán chứng khoán diễn ra liên tục với nhiều mức giá khác nhau. Trong trường hợp nhà đầu tư mua cổ phiếu ở giá cao, sau đó mua thêm ở giá thấp hơn, khi bán một phần cổ phiếu, việc xác định lãi hay lỗ sẽ rất phức tạp”, ông Phương nêu ví dụ.
Không chỉ vậy, việc xác định chi phí vốn đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài phí giao dịch, còn có chi phí margin (lãi vay ký quỹ)... Nếu nhà đầu tư sử dụng vừa tiền mặt, vừa margin để mua cổ phiếu, thì chi phí vốn giữa các lô hàng khác nhau cũng không giống nhau.
Do đó, để đề xuất này có thể đi vào thực tế, ông Phương kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng công thức tính toán rõ ràng, hướng dẫn minh bạch cho từng trường hợp cụ thể. Quan trọng hơn, cần đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng giữa các công ty chứng khoán, để tránh tình trạng mỗi nơi một cách hiểu.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến nhấn mạnh, thị trường chứng khoán được kỳ vọng là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy phát triển thị trường tài chính minh bạch, hiện đại và cân bằng giữa bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo thu ngân sách, các chính sách thuế cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn và tinh thần khuyến khích đầu tư.
Việc chuyển từ đánh thuế theo mệnh giá sang đánh theo lãi thực không chỉ đảm bảo công bằng, mà còn tạo động lực để gia tăng dòng vốn cá nhân vào thị trường vốn trung - dài hạn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.