Năm 2023 là một năm thành công trong lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam. Đây là nền tảng vững chắc cho vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Thành công này có được là nhờ Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả chiến lược “ngoại giao cây tre”.
>> “Vun đắp” nền tảng quan hệ Việt - Trung
Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, Việt Nam rất sáng suốt và thức thời khi chọn hình ảnh “cây tre” làm biểu tượng cho ngoại giao. Bởi loài cây này có đặc tính bền bỉ, mềm dẻo, thân thiện và đa dụng. Chiến lược này rất phù hợp với đường lối ngoại giao Việt Nam - đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.
Khi tình hình quốc tế xảy ra nhiều biến động, phong cách “ngoại giao cây tre” được chứng minh là “địa lợi, nhân hòa” điểm xuyết cho hình ảnh Việt Nam thêm gợi cảm, thu hút, là điểm đến cho lối tư duy “win-win”, đặt nền tảng, thắt chặt và sâu sắc thêm mối quan hệ để cùng nhau kiến tạo lợi ích vì hòa bình, thịnh vượng chung.
Năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm cấp Nhà nước. Ông Joe Biden cũng là Tổng thống Mỹ thứ 5 liên tiếp đến Việt Nam kể từ chuyến công du của cựu Tổng thống William Jefferson Clinton hồi tháng 11/2000.
Điều đó đã trực tiếp phát đi thông điệp, Việt Nam đang nắm giữ vai trò rất quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; có tầm ảnh hưởng lớn đến xu hướng biến đổi cấu trúc trật tự toàn cầu trong tương lai gần. Đặc biệt, việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Tiếp đến, Việt Nam đã long trọng đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay. Với tâm và thế ngoại giao đã minh định rõ ràng, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau làm sâu sắc thêm mối quan hệ “đặc biệt” vốn có.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thực hiện rất nhiều chuyến công du đến các quốc gia: Trung Quốc, Italia, Áo, Vatican, Cuba, Argentina, Iran, Uruguay, Nhật Bản, Lào,... nhằm củng cố quan hệ song phương, tham dự các diễn đàn quốc tế quan trọng, như Thượng đỉnh G7, Hội nghị “Vành đai và Con đường”, Thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN, diễn văn trước Đại hội đồng LHQ…
Có thể nói rằng, trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các siêu cường, đó không chỉ là “ngôn ngữ ngoại giao” thông thường mà đi vào thực chất, bằng khung khổ cam kết cấp cao nhất, biểu thị bằng con số kinh tế, thương mại song phương.
Kể từ thời điểm chúng ta mở cửa hội nhập quốc tế, ngoại giao đóng vai trò tối quan trọng tạo nên nhiều thành tựu rực rỡ trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam ra thế giới, mời gọi thế giới đến Việt Nam.
>> Dấu ấn mới trong quan hệ Việt - Mỹ
Điển hình như sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ năm 1995, không đơn giản chỉ là tuyên bố ngắn gọn của Tổng thống Bill Clinton được truyền đi, mà còn cho thấy hành trình dài rất cam go trước đó, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ động ngoại giao và dùng ngoại giao để phá thế bị cô lập.
Đúng như quy luật “hữu xạ tự nhiên hương”, Việt Nam có thể đặt quan hệ và phát triển quan hệ lên tầm mức cao nhất với các quốc gia hàng đầu thế giới. Điều này cũng có nghĩa rằng Việt Nam có đầy đủ phẩm cách để các quốc gia khác đặt trọn niềm tin. Đây là giá trị thầm lặng nhưng rất đặc sắc mà ngoại giao đã mang lại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Vậy, các thành tựu ngoại giao năm 2023 có vai trò như thế nào với Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo? Dẫu bất luận thế nào, toàn cầu hóa vẫn sẽ là xu thế chủ đạo - mở mang, vun đắp tình hữu nghị quốc tế chính là xuôi theo dòng chảy lịch sử, thúc đẩy toàn cầu hóa. Đây là đóng góp căn bản giúp Việt Nam gia tăng vị thế trong vài thập kỷ qua.
Thế giới đối diện với chu kỳ phát triển mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cấu trúc trật tự toàn cầu biến chuyển, châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm, Đông Nam Á là tâm điểm. Hệ thống đối tác toàn diện và chiến lược của Việt Nam sẽ là ngoại lực giúp chúng ta có cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng mới, vươn lên tầm phát triển mới.
Chung sống hài hòa với bạn chính là giữ cho mình được an yên. Nhiều bạn ít thù giúp Tổ quốc vững vàng bờ cõi- điều kiện tiên quyết để quốc gia giàu mạnh, người dân trong nước được hưởng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ Việt - Trung sang trang mới
03:00, 05/11/2022
Kỳ vọng lớn từ các trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
04:30, 12/09/2023
Ba trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
16:31, 11/09/2023
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ
13:51, 11/09/2023
Tầm vóc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
04:30, 11/12/2023
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển đúng hướng
03:30, 11/12/2023
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bền vững khi tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau
20:45, 26/09/2019