Việc thấu hiểu những áp lực giúp các nhà lãnh đạo có những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ chân đội ngũ đảm bảo việc phát triển trong giai đoạn phục hồi.
Dịch bệnh đã làm xã hội và mỗi người phải tư duy lại về giá trị của hệ sinh thái. Không thể giữ mãi tư duy khai thác mà cần có sự tôn trọng giá trị, nguyên tắc, lấy con người là trung tâm để phát triển doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh và đang từng bước phục hồi, các doanh nghiệp đối mặt với thách thức, đặc biệt vấn đề nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng quay trở lại sản xuất nhưng thiếu hụt người lao động. Theo thống kê của Liên đoàn lao động, với tình hình đứt đoạn sản xuất trong thời gian dài hàng chục ngàn công nhân đã về quê tránh dịch, một số bị cách ly, điều trị, chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động ở mức độ khoảng 30 - 40%. Về phía người lao động, họ không những chịu tác động từ việc cắt giảm do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến thất nghiệp, mà cuộc sống cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Áp lực đối với người lao động
Người lao động trong bối cảnh hiện nay đứng trước áp lực từ nhiều phía. Việc thấu hiểu những áp lực này giúp các nhà lãnh đạo có những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giữ chân đội ngũ đảm bảo việc phát triển trong giai đoạn phục hồi.
Thứ nhất, sự phát triển của công nghệ tác động tới quá trình phân công lại lao động, đòi hỏi sự nâng cấp và cả thay thế, ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của người lao động. Theo TS. Harari, nếu trước đây người ta sợ bị máy móc bóc lột, thì nay lại là nỗi sợ bị máy móc công nghệ bỏ rơi. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025 sẽ có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị thay thế. Người lao động đối diện với nguy cơ mất việc do máy móc sẽ dần thay thế con người để tự vận hành toàn bộ quy trình sản xuất.
Thứ hai, dịch bệnh tạo ra áp lực lớn với người lao động trên nhiều phương diện. Về tinh thần, họ cảm thấy lo lắng về tương lai và cơ hội công việc. Thể chất đã mệt mỏi, suy kiệt trong thời gian chống dịch, điều kiện sống chật chội, thu nhập eo hẹp trước các áp lực chi tiêu trong thời gian tương đối dài. Định hướng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng khi không có nguồn thu nhập. Điều này làm suy giảm cả động lực và khả năng làm việc. Do vậy, người lao động có nhu cầu tìm nơi bình an để di dưỡng lại tinh thần và thể lực, rời khỏi cơ sở sản xuất và trở về địa phương. Khi trở lại hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu hụt lao động lành nghề, ảnh hưởng đến sản xuất.
Thứ ba, tình trạng đứt gãy nhu cầu và chuỗi cung ứng trong nền kinh tế, ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, nhu cầu vận hành sản xuất bị cắt giảm. Mặt khác, vấn đề chuỗi cung ứng và cách ly do dịch bệnh, đẩy nhanh quá trình áp dụng công nghệ dẫn đến nguy cơ mất việc và suy giảm động lực làm việc người lao động. Các doanh nghiệp cần có giải pháp về tinh thần để đảm bảo ổn định bên trong tổ chức.
Phát triển "đặt trọng tâm vào con người"
Thay đổi tư duy, lấy con người làm trung tâm tạo ra tác động tích cực và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của IBM, doanh nghiệp lấy con người trung tâm có doanh thu cao hơn các doanh nghiệp truyền thống 32%.
Thứ nhất, khi nhân sự được chú trọng đầu tư thì năng lực sẽ được nâng cao liên tục, chất lượng công việc được cải thiện.
Thứ hai, chính sách đãi ngộ theo đúng năng lực, quan tâm quyền lợi nhân sự tạo ra sự hài lòng và gắn kết với doanh nghiệp.
Thứ ba, đầu tư con người giúp doanh nghiệp thu hút được nhân tài, làm giàu sức mạnh tổ chức. Theo đó, doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh khi nguồn lực bên trong vững vàng. Với đầu tư cho con người, doanh nghiệp FDI có thể để tái tạo sức lao động cho đội ngũ, đảm bảo tiến độ sản xuất thông qua chăm lo tinh thần, sức khỏe và kỹ năng.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các tỉnh địa phương lấy con người làm trung tâm trong các chính sách giúp đảm bảo an sinh xã hội, người lao động ổn định cuộc sống, đóng góp vào tình hình kinh tế với duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Trước mắt, nên nhìn việc hỗ trợ người lao động trở về nhà như một sự bảo vệ sự bình an thể chất và tinh thần người lao động, và xa hơn chính là đầu tư cho nguồn nhân lực sản xuất.
Định hướng đầu tư con người hiệu quả
Đầu tư cho con người cần có định hướng và kế hoạch rõ ràng với những trọng tâm chiến lược. Các nhà lãnh đạo chú trọng đến các khía cạnh đảm bảo ổn định tình hình nhân sự, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đầu tiên, doanh nghiệp chú trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động. Khi thị trường lao động và nhân sự vẫn chưa kịp ổn định sau chuỗi biến động liên tiếp, nhân viên cũng cần sự quan tâm nhiều hơn đến các phúc lợi trực tiếp liên quan đến bản thân. Khuyến khích trải nghiệm làm việc lành mạnh đề cao yếu tố an toàn cho đội ngũ. Đồng thời tập trung nâng cao sức khỏe cho nhân sự thông qua các hoạt động thể chất. Lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các chế độ phúc lợi mới, cũng như lắng nghe nguyện vọng từ nhân viên.
Tiếp theo, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, tính đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam khoảng 51,1 triệu người, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển và nâng cao năng lực nhân viên. Khi công nghệ phát triển thay thế con người trong các công việc, đội ngũ nhân sự đòi hỏi có nâng cao vốn tri thức và khả năng giao tiếp trong tổ chức. Để làm được điều này, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên tiếp cận các tư duy, kiến thức, công cụ mới.
Cuối cùng, lãnh đạo cần tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao các giá trị cốt lõi và tư duy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, văn hóa không đến từ những công cụ thô cứng, mà cần được truyền cảm hứng từ lãnh đạo, từ suy nghĩ đến hành động, và có sự tham gia chủ động tích cực của đội ngũ nhân viên. Niềm tin và các giá trị văn hóa phải hiện hữu trong cách nghĩ và cách làm của mỗi doanh nghiệp, và cái tạo ra sự khác biệt nằm ở hành động. Khi người lao động có cảm giác “thuộc về”, họ sẽ nỗ lực trong việc đóng góp vào thành công chung của tổ chức.
Với doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo có giải pháp cụ thể theo 4 khía cạnh con người: Cảm xúc – Thể chất – Kỹ năng – Tinh thần.
Thứ nhất, người lao động cần được đảm bảo khỏi các rủi ro về sức khỏe, bằng tăng cường các biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc và cộng đồng.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo quan tâm đến nhu cầu của nhân sự. Trong đó tìm hiểu về mong muốn, những vấn đề gặp phải để có giải pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống với các chính sách phúc lợi của công ty.
Thứ ba, doanh nghiệp đảm bảo vấn đề tài chính với nguồn thu nhập cho nhân sự như tăng lương tối thiểu và có khoản trợ cấp phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần cần thay đổi từ tư duy khai thác lao động sang tư duy nhân lưc là tài sản cần sự đầu tư để phát huy giá trị.
Với Chính phủ, nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát tình hình dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm. Chính phủ ban hành chính sách tài khóa chủ động, đặc biệt là các biện pháp an sinh xã hội về đầu tư công, giảm thuế, cho vay và hỗ trợ. Đồng thời có các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 63-NQ/CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP trong hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giảm cước viễn thông. Các tỉnh cần tôn trọng nguyện vọng và nhu cầu về địa phương của người lao động. Những ứng xử như vậy phù hợp trong thời kỳ căng thẳng xã hội tăng cao, tâm lý dễ bị tổn thương, thiếu niềm tin vào các thể chế, việc sử dụng các cơ chế đối thoại trong nội bộ doanh nghiệp, hay với chính phủ sẽ giúp xây dựng niềm tin và sự cam kết chung tay hành động.
Nhìn chung, vấn đề nguồn nhân lực là thách thức lớn với Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phục hồi hoạt động kinh doanh, ổn định nền kinh tế. Giải pháp cho vấn đề này là tư duy cấp tiến về con người và lao động, trong bối cảnh chuyển đổi số và áp lực dịch bệnh. Đó là đầu tư cho con người, nâng cao năng lực và sự gắn bó với tổ chức trên cơ sở tôn trọng mong muốn, thấu hiểu nhân sự.
Có thể bạn quan tâm
Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch cộng động
17:16, 12/10/2021
Đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
03:16, 03/10/2021
Nuôi dưỡng nguồn nhân lực chuẩn bị sản xuất
01:00, 25/09/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực
19:59, 30/08/2021
Ứng dụng blockchain trong quản trị nguồn nhân lực
06:00, 26/08/2021
Kỳ vọng đột phá nguồn nhân lực
03:35, 17/08/2021