Kỳ vọng đột phá nguồn nhân lực

HOÀNG TRUNG THÀNH 17/08/2021 03:35

Những thay đổi trong chính sách, đặc biệt công tác đào tạo sẽ kỳ vọng sự đột phá chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Tọa đàm “Nhân lực trong KCN, KKT: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Tọa đàm “Nhân lực trong KCN, KKT: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Nhân lực nước ta từ trước đến nay sử dụng lợi thế lao động giá rẻ, trình độ của người lao động còn lạc hậu, yều về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong công nghiệp.

ĐÀO TẠO KIỂU… BAO CẤP

Tại Tọa đàm “Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp” được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam chưa bắt kịp yêu cầu thực tế. Nhà trường đào tạo “cái nhà trường có”, không phải “cái thị trường cần”. Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh đào tạo song song cả ở nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay. Các trường cần đi trước, đón đầu xu hướng của xã hội.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, TGĐ KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), hiện vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) có 2 bất cập. Thứ nhất, sự kết hợp doanh nghiệp và nhà trường bản chất không có cơ chế. Trong khi, doanh nghiệp rất cần nhà trường đem học sinh đến thực tập hoặc đào tạo tại doanh nghiệp. Nhưng ở đây, quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đưa ra giáo trình đào tạo theo lý thuyết cũ. Điều này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.
“Chúng tôi là những người đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư vào trong KCN. Khi tuyển lao động thì 100% phải đào tạo. Ví dụ, các trường đại học, khi học khoa kỹ thuật công nghiệp mà không đưa ra được chương trình đào tạo để các kỹ sư có thể đọc được bản vẽ thì điều này là vô lý” - ông Điệp nói.

Thứ hai, nguồn nhân lực cần kỹ năng về sức khỏe nhưng kỹ năng về thể chất rất hạn chế. Tiếp đó, một việc đơn giản nhất là kỹ năng tin học văn phòng như: excel, word,… và đào tạo các phần mềm trong doanh nghiệp thì nhà trường lại coi nhẹ và coi việc đó học sinh phải học ở ngoài. Như vậy, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là một thực trạng của nguồn nhân lực bây giờ. “Và lỗi ở đâu thì các nhà quản trị và các cơ quan chức năng phải xoáy vào đó. Chúng tôi làm doanh nghiệp, chúng tôi cần chính sách cởi mở để đưa xuống các doanh nghiệp và các trường đào tạo” – ông Điệp nhấn mạnh.

“Học đi đôi với hành” – đó là lý thuyết trong đào tạo lâu nay. Nhưng thực tế, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo vẫn chưa thật sự hiệu quả. Không chỉ các trường đạo tạo nghề mà đến cả các trường đại học, sinh viên ra trường đều phải đi đào tạo lại khi vào làm việc tại doanh nghiệp.

CẦN ĐỘT PHÁ TRONG CHIẾN LƯỢC

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2021, thị trường lao động sẽ tiếp tục phát triển tích cực theo hướng chất lượng cao. Theo đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 22,77%. Trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 19,93%, cao đẳng chiếm 15,80%, đại học trở lên chiếm 20,67%. Theo đó, lao động giản đơn và lao động phổ thông đang có xu hướng giảm rất sâu. Vì thế đến một lúc nào đó, ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng phải qua đào tạo.

Với xu hướng mới, năm 2021 thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao. Cụ thể là các ngành công nghiệp, dịch vụ kỹ thuật, an ninh mạng, an toàn thông tin, TMĐT,... Đây cũng chính là điểm nổi bật trong những năm tới đây.

Hiện, cả nước đang có trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số là lao động trẻ. Đây là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực.

Theo TS Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Nghị quyết 67 của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp định hướng 2030 đã xác định gắn kết doanh nghiệp là 1 trong 3 đột phá. Theo phân công của Thủ tướng đơn vị đang xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 tầm nhìn 2045 xác định 1 trong 3 giải pháp đột phá trong đó giải pháp gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động là giải pháp đột phá.

Về giải pháp, theo ông Hùng, giải pháp chung bao gồm: Hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng hệ thống dữ liệu; dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo trong các KCN theo ngành, nghề, trình độ đào tạo; Thúc đẩy thực thi cơ chế hợp tác giữa các bên Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp; Thu hút người có kinh nghiệm tham gia đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bồi dưỡng cho người dạy tại doanh nghiệp;…

Giải pháp cụ thể, theo ông Hùng đối với các địa phương cần: Xây dựng/nâng cấp hệ thống thông tin lao động, ứng dụng CNTT để hình thành cơ sở dữ liện dùng chung về cung- cầu lao động trên địa bàn; Điều phối về cung ứng nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp giữa BQL lao động của KCN, Sở LĐTBXH, đại diện các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; Hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp, liên kết đào tạo, phát triển nhân lực.

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Việt Nam cần có những điều chỉnh chiến lược quy hoạch lại nguồn nhân lực, trong đó cần tập trung vào những lao động có tay nghề, trình độ cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguồn nhân lực thời kỳ hậu COVID-19 sẽ như thế nào?

    05:30, 01/08/2021

  • Cuộc “thiên di” và bài toán nguồn nhân lực hậu COVID-19

    05:38, 30/07/2021

  • Nhân lực cho khu công nghiệp: Chung tay tìm giải pháp

    11:00, 26/07/2021

  • Hóa giải điểm nghẽn của nhân lực ngành logistics

    20:56, 24/07/2021

  • Thêm hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhân lực khu công nghiệp

    04:00, 14/07/2021

  • Nhân lực cho khu công nghiệp: Khuyến nghị của người trong cuộc

    04:00, 10/07/2021

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 09/07: Nhân lực cho Khu công nghiệp

    03:03, 09/07/2021

  • Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp

    14:00, 06/07/2021

  • [TRỰC TIẾP] Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp

    14:01, 06/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng đột phá nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO