Chính phủ trình Quốc hội đề nghị kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính với công chức, viên chức để đồng bộ với kỷ luật Đảng.
Sáng 21.10, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ trưởng Trà, hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau.
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách: thời hiệu kỷ luật Đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm.
Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo: thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 5 năm.
Theo bà Trà, điều này khiến nảy sinh thực tế là một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của luật.
Bà Trà đánh giá, điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể” và chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua.
“Để khắc phục vướng mắc này, cần sửa đổi các quy định có liên quan của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức”, bà Trà cho hay.
Tuy nhiên, việc sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất quy định: áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nội dung quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quy định cụ thể, đầy đủ các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật để thuận lợi cho việc áp dụng, không viện dẫn các luật như dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình. Đồng thời, bổ sung, xác định rõ tiến độ sửa đổi luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị xác định rõ quy định này có hiệu lực kể ngày ban hành nghị quyết để bảo đảm việc áp dụng thống nhất.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 22.10, nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường. Dự thảo nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua ngày 15.11.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 21/10/2022
11:00, 21/10/2022
10:00, 21/10/2022
05:05, 21/10/2022
Có thể bạn quan tâm
12:00, 21/10/2022
11:00, 21/10/2022
10:00, 21/10/2022
05:05, 21/10/2022