Đề xuất thành lập “Bộ Kinh tế sáng tạo”

Thành An 14/05/2019 11:30

Việt Nam cần hướng đến trở thành quốc gia sáng tạo, trong đó có doanh nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo, các trung tâm sáng tạo cho đến Bộ Kinh tế sáng tạo.

PGS Bùi Quang Tuấn chia sẻ, từ bỏ tư duy mô hình cũ chỉ có lợi trước mắt để xây dựng mô hình mới là sáng tạo trong tư duy.

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII của Đảng, PGS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng định hướng phát triển với động lực là khoa học công nghệ. Theo đó, chuyên gia kinh tế đề xuất Việt Nam thành lập Bộ Kinh tế sáng tạo.

Khó đạt mục tiêu

Ông Tuấn cho biết: Năm 2018 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tuy cao (7,08%), nhưng nhìn chung giai đoạn 2011-2020 sẽ khó đạt mục tiêu 7 - 7,5%.

Nhận định các yếu tố để phát triển kinh tế ở Việt Nam còn hạn chế như năng suất lao động thấp, cơ cấu lao động không hợp lý; chỉ số hiệu lực pháp luật, hiệu quả của Chính phủ, kiểm soát tham nhũng... vẫn thua nhiều nước trong khu vực."Nếu như năm 2019 và 2020 đạt mức 7% thì tăng trưởng trung bình giai đoạn trên cũng chỉ 6,3-6,4%. Hơn nữa, làm thế nào để đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới là một dấu hỏi lớn", ông Tuấn nói.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ đang có xu hướng giảm trong khi đây là yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng nhanh. "Nếu so với các nước trong khu vực thì mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam ở nhóm thấp", ông Tuấn nói.

Xây dựng Quốc gia sáng tạo

Để khắc phục những tồn tại nói trên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng: Đảng và Nhà nước cần khẳng định quan điểm xuyên suốt cho cả giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là "Tăng trưởng nhanh và sáng tạo, lấy phát triển con người là mục tiêu cuối cùng, lấy hiệu quả và năng suất xanh, thân thiện môi trường là thước đo”.

Ông Tuấn nhấn mạnh, sáng tạo trong quan điểm trên bao hàm cách làm mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó động lực là khoa học công nghệ; từ bỏ tư duy mô hình cũ chỉ có lợi trước mắt để xây dựng mô hình mới là sáng tạo trong tư duy.

“Từ cách tiếp cận này, đất nước sẽ hướng đến trở thành quốc gia sáng tạo, trong đó có doanh nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo, các trung tâm sáng tạo cho đến Bộ kinh tế sáng tạo", phải tư duy như vậy để tiến kịp thế giới, như vừa qua các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã thành lập Bộ Không gì là không thể, ông Tuấn nói.

 Đồng tình với PGS Tuấn, GS TSKH Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) nói, muốn "sáng tạo" thì phải có nhân tài.

"Trung Quốc sẵn sàng trả lương cao để thu hút người tài về phục vụ đất nước. Tôi từng viết nhiều thư giới thiệu sinh viên đi học nước ngoài nhưng không ai về vì cơ chế chưa có. Nhân tài không về thì lấy ai để sáng tạo?", ông Lược nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đề cương chi tiết của 2 văn kiện là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đang được hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương tới đây.

Thủ tướng đánh giá các ý kiến nêu ra tại hội nghị có nhiều thông tin mới, sát thực tế, chỉ ra vấn đề bức xúc và định hướng tháo gỡ, đặc biệt là lối ra cho phát triển, mong muốn sắp tới sẽ có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn, Thủ tướng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất thành lập “Bộ Kinh tế sáng tạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO