Di dời nhà máy, kho hóa chất nguy hại ra khỏi nội đô

PHƯƠNG UYÊN 08/08/2020 08:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý nguy cơ cháy nổ các kho, nhà máy hóa chất trong thành phố.

Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông tan hoang sau hỏa hoạn

Công ty Rạng Đông tan hoang sau cơn hỏa hoạn diễn ra vào tháng 8/2019

Chỉ đạo này được ban hành bởi trước đó trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cháy các kho, nhà máy hóa chất ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của người dân. Đơn cử như vụ cháy kho hóa chất ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên hồi đầu tháng 7/2020 hay trước đó là vụ cháy Công ty Rạng Đông tháng 8/2019…

Nhiều khó khăn

Ông Lê Quang Bình – đại diện Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) mới đây đã công bố kết quả khảo sát ý kiến của người dân về không gian công cộng và việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư cho thấy, có tới 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội.

Đa số người dân muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Đối với các cơ sở nhà máy, khu công nghiệp: Từ năm 1998, Hà Nội đã có quyết định di dời, đã hình thành lên 6 khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để các cơ sở công nghiệp nhỏ, lẻ di dời đến và đã thành công. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn 7 khu công nghiệp lớn, trong đó có 4 khu nằm trong nội đô với tổng diện tích 260 ha (Thượng Đình, Minh Khai, Giáp Bát, Văn Điển). Cả 4 khu công nghiệp trên đều rất cần di dời, nhưng việc triển khai đến nay còn rất chậm.

vụ cháy kho chứa hóa chất ở Long Biên, Hà Nội.

Vụ cháy kho chứa hóa chất nằm giữa khu dân cư ở Long Biên, Hà Nội

Theo quy hoạch chung của Thành phố, để thực hiện di dời Hà Nội đã triển khai 11 khu công nghiệp mới để đảm bảo, như KCN Bắc Thăng Long, Sài Đồng, Quang Minh, Hòa Lạc… nhưng việc triển khai các khu công nghiệp mới trên tính đến nay vẫn đang vấp phải một số khó khăn.

Thứ nhất, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện di dời, không phải chỉ chủ đầu tư là người có trách nhiệm, mà xen cài tại các khu công nghiệp còn có các hộ dân sinh sống ở đó. Vậy, giải pháp di dời đối với những hộ dân sẽ như thế nào?

Thứ hai, việc xác định chủ thể phải di dời và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thực hiện. Thông thường các nhà máy này trực thuộc các bộ chủ quản, vậy khi di dời trách nhiệm cơ quan chủ quản đến đâu và trách nhiệm chủ sở hữu đến đâu việc này còn chưa rõ ràng. 

Cần giải quyết thỏa đáng

KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, mặc dù Chính phủ có xác định lộ trình phải di dời các nhà máy xí nghiệp, trong đó từ năm 2014 đến 2016 đã hai lần Thủ tướng xác định lộ trình di dời này, Hà Nội cũng đã có nghiên cứu và chuẩn bị địa thế, nhưng trách nhiệm, tiến độ và kế hoạch di dời vẫn chưa nhận được sự đồng thuận giữa chủ đầu tư, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý. 

Bên cạnh đó là việc thiếu giải pháp xử lý. Tại một số cơ sở công nghiệp hiện nay, mặc dù trách nhiệm phải di dời, trong khi công tác giám sát thiếu phân công trách nhiệm nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc như tại nhà máy Rạng Đông. Tại các cơ sở mới, thành phố là đơn vị chuẩn bị tuy nhiên nhiều vị trí vẫn không được giải phóng mặt bằng, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Có thể nói, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, về định hướng và kế hoạch đã có sự quan tâm của Chính phủ, nhưng sự phối hợp giữa chủ quản đầu tư (các bộ, ngành), giữa chủ đầu tư (chủ sở hữu các khu công nghiệp) và thành phố còn chưa chặt chẽ.

Thí dụ, các doanh nghiệp khi muốn di dời tới Phú Xuyên, Hòa Lạc, Hưng Yên hoặc Bắc Ninh – là những nơi phù hợp với từng loại hình của mỗi khu công nghiệp, nhưng các khu công nghiệp này với chính quyền thành phố Hà Nội chưa có sự phối hợp trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm địa điểm thích hợp.

“Việc doanh nghiệp di dời tới cơ sở mới, lúc này không chỉ là việc sản xuất mà còn liên quan tới đời sống của người lao động, như nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Vậy chính sách đó cần được thành phố giải quyết thỏa đáng” – ông Nghiêm khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ IV): Ban chỉ đạo cho lộ trình di dời mới

    06:00, 02/08/2020

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ III): Kẽ hở do luật "vênh" nhau

    14:00, 01/08/2020

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ II): Khó di dời bởi “đất vàng”

    21:15, 31/07/2020

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ I): Người dân "sống chung với lũ"

    08:00, 31/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Di dời nhà máy, kho hóa chất nguy hại ra khỏi nội đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO