Mặc dù Hà Nội đã bố trí 450ha đất sạch tại các khu công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm, lộ trình di dời đã có từ lâu, tuy nhiên đến nay rất nhiều nhà máy vẫn cố thủ trong nội đô.
LTS: Từ 2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg về kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô. Nhưng 17 năm sau khi có Quyết định của Thủ tướng về kế hoạch di dời nhà máy khỏi nội đô, đến nay hàng loạt nhà máy vẫn nguyên hiện trạng, gây ô nhiễm trầm trọng.
"Sống chung với lũ"
Năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.
Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sơ, Ba Đình 2 cơ sở, quận Cầu Giấy 2 cơ sở, quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở, quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở, Hà Đông 28 cơ sở, Bắc Từ Liêm 6 cơ sở, quận Thanh Xuân 9 cơ sở, quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở, quận Hoàng Mai 11 cơ sở, quận Long Biên 17 cơ sở.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế cho đến nay nhiều nhà máy, cơ sở vẫn chưa chịu di dời, hoặc chỉ mới di dời một phần, cố thủ giữ đất vàng.
Đơn cử như nhà máy Dệt kim Đông Xuân (254 Minh Khai, Hai Bà Trưng) là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường buộc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Nhiều năm qua, người dân đã liên tục phản ánh về việc nhà máy không di dời hoàn toàn, tiếp tục xả thải khiến hàng nghìn hộ dân xung quanh sống chung với ô nhiễm.
Hay tại khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), mỗi ngày người dân khu vực này vẫn phải chịu cảnh chứng kiến những cột khói đen của Công ty CP Cao su Sao Vàng xả thẳng lên trời.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Xuân Lan cho biết, gia đình bà đã sống ở đây hơn 20 năm, mùi khói khen khét của nhà máy chưa một ngày "buông tha" cuộc sống của bà và cụm dân cư nơi đây.
"Biết là độc hại, cũng rất lo lắng cho sức khỏe bản thân và con cái nhưng với điều kiện của gia đình cũng không thể chuyển đi đâu được nên đành "sống chung với lũ"" - Bà Lan chia sẻ.
Được biết, cuối năm ngoái đoàn của Sở TN&MT đã có cuộc kiểm tra hoạt động của nhà máy cao su Sao Vàng. Thời điểm đó, kết quả quan trắc về quy định xả khói vẫn trong quy định cho phép, tuy nhiên cơ sở sản xuất này của công ty Sao Vàng vẫn thuộc diện bắt buộc phải di dời.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ việc Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp cho đến nay vẫn "cố thủ" ôm đất vàng với "mộng chung cư".
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi lại được:
Có thể bạn quan tâm