Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đã đánh giá tích cực hơn về môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam trong vài tháng sau khủng hoảng dịch COVID-19.
Đây là khẳng định khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (“EuroCham”).
Trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19, việc hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội khiến hoạt động kinh doanh thông thường bị đình trệ. Trong quý 1 năm 2020, chỉ số BCI của EuroCham đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay với 27 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, với hàng loạt các biện pháp về kinh tế và y tế công cộng được cho là hiệu quả hàng đầu thế giới của Chính phủ, Việt Nam đã trở lại hoạt đồng kinh doanh sớm hơn bình thường so với các quốc gia khác, nơi còn đang phải tiếp tục đấu tranh với ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Với xu hướng đó, khảo sát chỉ rõ, tâm lý tích cực của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu bắt đầu hồi phục trở lại, ghi nhận mức tăng 7 điểm phần trăm từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, đạt ngưỡng 34%. Bên cạnh đó, hơn một nửa các giám đốc điều hành dự đoán rằng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ ổn định và được cải thiện trong quý tới - đây là mức tăng đáng kể so với quý 1, khi chỉ 10% số người được khảo sát dự đoán sự cải thiện.
BCI cũng nhận thấy rằng, hơn một phần tư các doanh nghiệp châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế của Chính phủ, trong khi khoảng một phần năm đã được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Dù có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thách thức đối với các doanh nghiệp châu Âu. Trong khi tác động của COVID-19 đã giảm bớt, 88% doanh nghiệp báo cáo rằng doanh nghiệp của họ chịu tác động tiêu cực do hậu quả của đại dịch. Ngoài ra, hơn 50% cho rằng việc giảm thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng sẽ giúp họ hồi phục tốt hơn từ cuộc khủng hoảng.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhận định, khảo sát BCI lần này là bằng chứng thể hiện Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch COVID-19. Đồng thời cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu.
“Thử thách tiếp theo sẽ là thích nghi với trạng thái ’bình thường mới’ khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra ở các quốc gia khác, trong khi thương mại toàn cầu vẫn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong nước”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.
Và để thích nghi, đại diện EuroCham cho rằng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như đưa các chuyên gia nước ngoài quay trở lại làm việc tại các công ty, tổ chức quốc tế. “EuroCham rất biết ơn những đề xuất và sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam liên quan tới vấn đề này và chúng tôi cam kết tiếp tục quảng bá Việt Nam trở thành điểm kinh doanh cởi mở, cạnh tranh và hấp dẫn nhằm khuyến khích đầu tư và thương mại châu Âu hơn trong tương lai”, ông Nicolas Audier vui mừng cam kết.
Có thể bạn quan tâm
23:04, 15/03/2019
11:34, 14/03/2019
17:05, 06/11/2018
15:16, 04/10/2018
11:06, 27/08/2018