Báo cáo của Cushman & Wakefield cho thấy trong quý I/2022, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, xấp xỉ con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.
>>Những thương vụ M&A "bom tấn" đầu năm 2022
Theo báo cáo trên, thương vụ có giá trị cao nhất là vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) trị giá 550 triệu USD từ CapitaLand Development cho Viva Land. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên các tòa nhà văn phòng được sang nhượng với tổng giá trị lớn như vậy.
Bên cạnh đó, phân khúc văn phòng cũng là phân khúc chiếm đa số các thương vụ diễn ra trong quý vừa qua với tỷ lệ 58% tổng giá trị giao dịch. Kế sau đó là chuyển nhượng bất động sản công nghiệp với 28% và sau cùng là nhà ở với 13%.
Có thể bạn quan tâm |
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, sự nổi lên của thị trường văn phòng trong thời gian gần đây ở Việt Nam đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới. Trong khi đại dịch thúc đẩy làn sóng làm việc tại nhà khắp toàn cầu, các dự án tòa nhà văn phòng ở Việt Nam vẫn được chú trọng đầu tư.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân là do sự thiếu hụt nguồn cung văn phòng ở Việt Nam. Hiện tổng diện tích văn phòng cho thuê ở TP.HCM chỉ bằng một nửa Bangkok, chưa kể đa số là sản phẩm hạng B, C, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp FDI đang đổ xô đến và mở rộng quy mô hoạt động.
CEO Cushman & Wakefield cũng nhận định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế đặt trong bối cảnh nguồn cung văn phòng hạn hẹp, đặc biệt văn phòng hạng A, phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Rào cản lớn nhất là quỹ đất ở các trung tâm đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội đang ngày càng cạn kiệt.
Trước đó, theo báo cáo của Savills Việt Nam, mặc dù hút mạnh vốn ngoại song thị trường mua bán sáp nhập dự án vẫn còn những hạn chế tồn đọng với doanh nghiệp ngoại.
Trong đó, hệ thống luật pháp về đất đai tại Việt Nam vẫn còn tương đối phức tạp. Nhiều điều khoản trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản vẫn chưa thống nhất, gây ra những ách tắc chưa tìm được hướng giải quyết. Bất chấp việc cải cách thể chế của Chính phủ trong những năm qua, những thiếu sót này sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của các thương vụ M&A.
Mặt khác, trên thị trường vẫn còn tồn tại nhiều dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện pháp lý để giải ngân, phần nào do những hạn chế giao tiếp trong thời kỳ đại dịch.
Các doanh nghiệp Việt quy mô vừa và nhỏ hiện chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho quá trình mua bán sáp nhập bất động sản. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp sở hữu dự án lớn, họ vẫn chưa lên kế hoạch cụ thể cho sự phân kỳ hợp lý ngay từ giai đoạn quy hoạch dự án. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn phát sinh trong việc huy động nguồn vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng.
Ngoài ra, tại thị trường bất động sản Việt Nam, người mua và người bán dự án đang có cách tiếp cận định giá khác nhau, tạo ra những khác biệt về mức giá kỳ vọng của tài sản giá trị lớn.
Chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng, nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường mua bán sáp nhập dự án đến từ gói hỗ trợ phát triển hạ tầng, mở cửa du lịch. Đây là thời điểm vàng để thị trường giữ chân làn sóng thương mại đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Rào cản tiềm ẩn của thị trường M&A Việt Nam
15:30, 26/03/2022
Những thương vụ M&A "bom tấn" đầu năm 2022
03:00, 06/03/2022
Thị trường M&A năm 2022: Bước đột phá của doanh nghiệp Việt?
04:30, 03/01/2022
M&A bán lẻ: Rộng cửa đón năm mới
13:42, 01/01/2022
Tránh “tiền mất, tật mang” khi M&A dự án
15:00, 21/12/2021