2022 được đánh giá là thời điểm "vá lại" những "nỗi đau" của ngành bán lẻ đã trải qua sau 2 năm vượt bão COVID-19 và khẳng định vị thế của doanh nghiệp nội không chỉ trên sân nhà.
M&A, “ông nội” và “ông ngoại”
Trong Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2021 được công bố cuối tháng 11 vừa qua, bán lẻ là một trong 4 ngành ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương, trong khi đa số nhóm ngành còn lại đều chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Năm 2021, thị trường bán lẻ cũng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội.
Tháng 5/20215, công ty thành viên của Tập đoàn Masan công bố mua lại 20% cổ phần chủ quản của chuỗi cà phê - trà Phúc Long với trị giá 15 triệu USD.
Còn chỉ vài ngày trước đó, The CrownX - pháp nhân liên quan đến Tập đoàn này và sở hữu chuỗi siêu thị VinMart cũng nhận khoản đầu tư 400 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba. Cộng với khoản đầu tư hơn 410 triệu USD mà công ty con VinCommerce đã huy động được từ tập đoàn SK Hàn Quốc, có thể thấy lượng vốn mà Masan huy động đã xấp xỉ cả tỷ USD.
Mấy tháng sau đó, một doanh nghiệp Việt khác là Thaco công bố Emart Inc. và công ty của tỉ phú Trần Bá Dương hoàn tất chuyển nhượng hoạt động kinh doanh đại siêu thị Emart tại Việt Nam. Việc Thaco sở hữu Emart Việt Nam đánh dấu một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản suất lắp ráp ô tô chính thức bước chân vào mảng bán lẻ. Ngoài ra, thương vụ này còn có ý nghĩa lần thứ hai ở mảng bán lẻ sau thương vụ Saigon Co.op mua hệ thống siêu thị của Tập đoàn Auchan (Pháp) tại Việt Nam thì một “ông nội” nữa đã mua “ông ngoại”.
Có thể thấy, sau hai năm đại dịch hoành hành, cộng đồng doanh nghiệp đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ; chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.
Chia sẻ về sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ nội trong thời gian qua, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng sự vươn lên của doanh nghiệp Việt cho thấy nước ta đã có những tập đoàn lớn mạnh.
“Trước đây từng có thời gian nước ta bùng lên lo ngại việc các doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt nên đã từng có ý kiến cho rằng cần có chính sách hạn chế. Nhưng nay “cuộc chơi” đã khác”, ông Hiếu đánh giá.
Từ góc độ nhà tư vấn, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đặt câu hỏi phải chăng do dịch Covid-19 nhà đầu tư nước ngoài không qua được nên doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh cuộc chơi?
Tuy nhiên ông Ái cho rằng doanh nghiệp Việt đã trải qua 3 giai đoạn phát triển. Đó là trước năm 2010 là giai đoạn tích lũy. Tức là các doanh nghiệp tư nhân đa số là nằm trong tay một ông chủ, có tốc độ phát triển nhanh. Giai đoạn này các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn của thị trường như khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Giai đoạn từ 2010 -2019, đây là thời gian cơ cấu lại, củng cố để phát triển và chuyển giao thế hệ giữa những người sáng lập cho thế hệ tiếp theo.
Từ năm 2019 trở đi là giai đoạn phát triển bền vững nên đã có những tập đoàn đa ngành lớn mạnh như VinGroup, Thaco Group, Masan Group, NovaGroup….Sau thời gian phát triển nội tại, củng cố tiềm lực và đặc biệt là thu hút được nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì cũng đã đến lúc các doanh nghiệp Việt đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, hình thành nên các hệ sinh thái để phát triển.
Các doanh nghiệp Việt thời điểm này đã có chiến lược phát triển rất rõ ràng đó là thông qua M&A để hình thành hệ sinh thái. Đây là tín hiệu phát triển tích cực của các doanh nghiệp Việt.
Còn ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá đây là thời điểm hợp lý để “dọn dẹp” các doanh nghiệp sau khi bị “cơn bão” quét qua để hình thành các tập đoàn đa ngành thông qua M&A.
Sẽ “tăng tốc” trong năm 2022
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ tại Việt Nam bất chấp diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Lê Khánh Lâm - chủ tịch RSM Việt Nam, bán lẻ là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Vì vậy năm 2022, nhu cầu tìm nguồn vốn để cân đối lại các tổn thất sẽ gia tăng cơ hội cho các hoạt động M&A trong những lĩnh vực này.
Các chuyên gia nhận định, qua đại dịch, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến thị trường ngách, nông thôn. Đây là lựa chọn thông minh để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên để chiếm lĩnh thị trường, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI ở phân khúc cao cấp, Phó Chủ tịch AVR Nguyễn Thành Phương cho rằng, mô hình bán lẻ cũng cần chóng thích ứng với tình hình mới theo hướng áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động bán hàng, trong đó online và offline bổ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cần không ngừng đổi mới, đầu tư sử dụng công nghệ, thương mại điện tử qua đó tăng tính trải nghiệm cho khách hàng. Quan trọng hơn cả, doanh nghiệp rất cần xây dựng kế hoạch uyển chuyển theo diễn biến thị trường qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ sản phẩm Việt.
Trong khi đó, ông Đào Phước Toàn, chuyên viên phân tích doanh nghiệp bán lẻ, CTCK Rồng Việt cho biết: "Trong tương lai, yếu tố cạnh tranh lớn nhất vẫn là cung cấp trải nghiệm cho khách hàng thông qua đa dạng hóa sản phẩm cũng như các dịch vụ online, giao hàng đến khách hàng, bên nào làm tốt hơn sẽ chiếm được thị phần và sẽ đạt điểm hòa vốn tốt hơn".
Có thể bạn quan tâm
Thị trường bán lẻ 2021: Chuyển đổi số và Thanh toán không tiền mặt lên ngôi
16:37, 07/01/2022
5 xu hướng bán lẻ đáng chú ý năm 2022
04:08, 03/01/2022
3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ sau đại dịch
01:23, 19/12/2021
Nhà bán lẻ có thể hưởng lợi từ hành vi “mua sắm trả đũa” dịp lễ tết
04:00, 18/12/2021