Mặc dù lo ngại về thuế quan đối ứng Mỹ có thể tác động đến dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ không quá nghiêm trọng.
Tại báo cáo gửi cổ đông, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) cho biết, doanh thu từ cho thuê đất chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng cơ cấu, trong khi doanh thu từ cung cấp dịch vụ chiếm tới 70%. “Doanh thu cho thuê đất được chia đều trong 50 năm, nên ngay cả khi không có hợp đồng mới, doanh thu 2025 vẫn có thể đảm bảo tương đương 2024”, ông Hùng cho hay.
Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng cho thấy mức độ ổn định đáng kể. Theo ông Hùng, việc sử dụng điện, nước, những chỉ số phản ánh trực tiếp hoạt động sản xuất vẫn duy trì ở mức 100%, cho thấy mảng dịch vụ chưa chịu tác động lớn từ những biến động bên ngoài.
Tính đến cuối năm 2024, nhiều khu công nghiệp do Sài Gòn VRG phát triển vẫn có tỷ lệ lấp đầy cao, như Khu công nghiệp Đông Nam (88%), Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (67,43%). Trong quý I/2025, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng, tăng 55,87% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 50% kế hoạch năm.
Cùng quan điểm thận trọng nhưng không bi quan, ông Hồ Đức Thành – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) cho biết, doanh nghiệp đang theo dõi sát tác động từ các chính sách thuế mới, đặc biệt đối với hoạt động cho thuê đất tại Khu công nghiệp Châu Đức.
“Dù có những ảnh hưởng nhất định, nhưng mặt tích cực là khả năng doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ tăng lên, nhờ đó thị trường có thể bù đắp bằng các dòng vốn mới”, ông Thành nhận định.
Đánh giá cụ thể hơn về phản ứng của nhà đầu tư trước nguy cơ Mỹ nâng thuế quan, ông Đặng Chính Trung - Tổng giám đốc Tổng công ty IDICO (IDC) cũng cho rằng, ảnh hưởng có thể phân hóa theo từng nhóm nhà đầu tư. Theo khảo sát của IDC, trong khi các nhà đầu tư đã ký hợp đồng hoặc đang thực hiện hợp đồng vẫn tiếp tục triển khai dự án, thì khoảng 10-15% trong nhóm đã đặt cọc có xu hướng tạm hoãn để theo dõi thêm chính sách mới. Riêng nhóm đang đàm phán, tới 70-80% nhà đầu tư vẫn cam kết tiếp tục.
“Những hợp đồng đã ký sẽ tiếp tục được thực hiện, nên kế hoạch doanh thu 2025 của IDICO cơ bản không bị ảnh hưởng”, ông Trung khẳng định.
Tuy nhiên, IDC vẫn đặt mục tiêu kinh doanh năm nay theo hướng thận trọng: doanh thu hợp nhất 8.918 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.596 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 13% so với thực hiện 2024.
Ở góc nhìn khác, Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG) ghi nhận mức độ ảnh hưởng rõ nét hơn từ thuế quan trong kết quả khảo sát doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu. Theo đó, khoảng 22% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan, trong đó 12% chịu tác động trực tiếp và 10% chịu tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng.
Dù vậy, theo lãnh đạo Long Hậu, chưa có doanh nghiệp nào đánh giá đây là khủng hoảng mà chủ yếu thể hiện tâm lý thận trọng, đánh giá lại chiến lược và chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường cũng như chính sách thuế mới. Một trong những biểu hiện cụ thể là thời hạn thuê đất, nhà xưởng đang được rút ngắn hơn, một số doanh nghiệp chỉ thuê thử trong 1 năm thay vì cam kết dài hạn 3-5 năm như trước.
“Xu hướng ra quyết định đầu tư chậm lại nhưng không có nghĩa là dòng vốn sẽ rút lui. Trong trung hạn, vị thế của Long Hậu vẫn duy trì nhờ các lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, môi trường pháp lý ổn định và hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư”, ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh tại đại hội cổ đông thường niên ngày 23/4.
Tổng thể, thị trường khu công nghiệp Việt Nam trong năm 2025 có thể đối mặt với một số thách thức ngắn hạn từ các biến động chính sách thương mại quốc tế. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí địa lý, chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư đang cải thiện, kỳ vọng về làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam vẫn hiện hữu. Chính sự chuẩn bị chủ động và chiến lược linh hoạt của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và tăng trưởng trong bối cảnh mới.