Việc hiểu rõ đặc điểm của từng khu vực và loại hình khu công nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định phù hợp nhất với nhu cầu sản xuất và chiến lược kinh doanh.
Việt Nam là một quốc gia có dân số hiện tại xấp xỉ 100 triệu người, lực lượng lao động dồi dào khoảng hơn 50 triệu người. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với tăng trưởng GDP năm nay đặt mục tiêu đạt 8%, cao hơn mức 7% của năm trước. Thu nhập bình quân đầu người cũng được kỳ vọng tăng từ 4700USD năm 2024 lên 5000USD trong năm nay.
Với các con số trình bày tại hội thảo “Thiết lập công ty và nhà máy tại Việt Nam”, ông Lý Nghĩa Dũng - luật sư điều hành Li Sheng Law Firm đánh giá các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò trung tâm trong việc thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy sản xuất.
Việt Nam không chỉ có một loại hình KCN duy nhất, mà sở hữu tới mười loại hình KCN khác nhau. Các loại hình này bao gồm: KCN truyền thống, Khu chế xuất (KCX), KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu, Khu kinh tế chuyên biệt, và Cụm công nghiệp. Trong đó, phổ biến nhất thường là KCN truyền thống, Cụm công nghiệp và Khu chế xuất. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam hiện đang dành sự quan tâm và đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao. Điều này xuất phát từ định hướng phát triển các lĩnh vực trọng điểm như bán dẫn, sản xuất phần mềm và linh kiện.
Theo ông Lý Nghĩa Dũng, đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc lựa chọn KCN phù hợp là cực kỳ quan trọng. Cần tiến hành khảo sát KCN hoặc kiểm tra thông tin về đất đai để đảm bảo quy hoạch của KCN cho phép ngành nghề và sản phẩm dự kiến sản xuất. “Nếu ngành nghề hoặc sản phẩm không phù hợp với quy hoạch, về cơ bản, hồ sơ xin cấp phép đầu tư sẽ không được Chính phủ phê duyệt”, ông Dũng cho biết.
Các khu công nghiệp tại Việt Nam có sự phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Theo dữ liệu đưa ra, miền Bắc có 147 khu công nghiệp, miền Trung có 11, và miền Nam có đến 175 khu công nghiệp. Sự tập trung nhiều khu công nghiệp ở miền Nam là do quá trình phát triển khu công nghiệp bắt đầu sớm tại vùng này theo kế hoạch của Việt Nam. Tỷ lệ lấp đầy ở miền Nam cũng cao hơn vì vùng này đã phát triển từ rất sớm.
Mặc dù các ngành nghề có thể đặt công ty ở cả ba miền, việc lựa chọn khu công nghiệp phù hợp và vị trí địa lý thích hợp để đặt nhà máy là rất quan trọng. Miền Nam có nhiều nhà sản xuất hàng điện tử, ô tô xe máy, hàng công nghệ cao và máy móc. Trong khi đó, miền Bắc chủ yếu làm về nhựa, cao su, linh kiện máy móc. Còn miền Trung là chế biến thức ăn và dệt may.
Mức lương lao động trung bình cũng khác nhau tùy từng vùng. Miền Nam có mức lương cao hơn. Điều này liên quan đến việc các khu công nghiệp ở miền Nam đã phát triển đến giai đoạn sản xuất các sản phẩm liên quan đến công nghệ cao, đòi hỏi lao động có kỹ thuật cao hơn, dẫn đến mức lương trung bình cao hơn.
Giá thuê đất cũng có sự khác biệt. Miền Nam hiện tại có giá thuê đất khá đắt. Giá thuê đất ở miền Trung là rẻ nhất, sau đó đến miền Bắc, và cuối cùng là miền Nam với giá cao nhất. Các địa điểm nổi bật về khu công nghiệp ở miền Nam tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An.
Theo ông Miền Bắc có ưu điểm là có chi phí lao động thấp hơn. Tuy nhiên, trình độ lao động có thể không bằng miền Nam. Hệ thống giao thông tại miền Bắc khá phát triển, đặc biệt là đường cao tốc, do Nhà nước đã tập trung phát triển một số khu công nghiệp phía Bắc trong những năm qua.
Miền Trung thì có vị trí địa lý tốt và nhiều ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, nhược điểm là thường có bão vài lần mỗi năm, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty.
Miền Nam đã phát triển rất sớm và chuỗi cung ứng đã khá hoàn thiện. Hiện tại, Nhà nước đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông ở miền Nam, dự kiến sẽ có 6 đến 8 tuyến đường cao tốc hoàn thành vào năm 2030 để đáp ứng sự phát triển của vùng. Như đã đề cập, lao động có kỹ năng cao hơn và chi phí lao động, giá thuê đất cũng cao hơn.
Vì vậy, ông Dũng lưu ý, khi nhà đầu tư đến Việt Nam để đặt công ty hay nhà máy, cần lưu ý đến trình độ thoát nước của khu công nghiệp và điều kiện cơ sở hạ tầng vì những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động.
“Việc hiểu rõ các đặc điểm này của từng khu vực và loại hình khu công nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định phù hợp nhất với nhu cầu sản xuất và chiến lược kinh doanh của mình tại Việt Nam” -ông Dũng nói.