Công nghệ

Doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin TPHCM lo ngại về an toàn thông tin mạng

Đình Đại 07/09/2024 00:30

Nêu ý kiến tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông và Chính quyền Thành phố, nhiều doanh nghiệp lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn thông tin mạng.

hoingh1.jpg
Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông và Chính quyền Thành phố là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 248 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố - Ảnh: Đình Đại.

Nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM về lĩnh vực công nghệ thông tin; các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM tổ chức “Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông và Chính quyền Thành phố”. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 248 của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố.

Tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH MTV Xây lắp Điện 2 nêu ý kiến về chất lượng đường truyền thường xuyên bị trục trặc, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư gói dịch vụ data lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cũng thường bị tình trạng hackers xâm nhập hệ thống, đánh cắp dữ liệu thông tin của doanh nghiệp, gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trả lời vấn đề này, ông Ngô Vi Đồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Chi Hội trưởng Chi hội phía Nam cho biết, Chi hội An toàn thông tin phía Nam đã phối hợp với Sở TTTT TP HCM có các chương trình tư vấn và thường xuyên có những cảnh báo về an ninh, an toàn thông tin.

ongdong.jpg
Ông Ngô Vi Đồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Ông cho rằng, câu chuyện mà doanh nghiệp nêu về an ninh, an toàn thông tin hiện nay không còn là vấn đề bình thường nữa, mà đã trở thành một vấn đề rất nguy hiểm. Do đó, đòi hỏi các đơn vị, doanh nghiệp phải có những kế hoạch, những chiến lược về an ninh mạng và an toàn thông tin.

“Chắc chắn là Sở TTTT và VNISA sẽ có những biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp phòng ngừa. Tuy nhiên, tôi mong muốn các doanh nghiệp cố gắng tìm hiểu thông tin qua những hoạt động của Hiệp hội để biết được những cách thức phòng ngừa, cũng như biết cách xử lý khi vấn đề xảy ra”, ông Đồng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư về nguồn lực, đầu tư về kinh tế, và đặc biệt là đầu tư về quy trình giám sát, nhằm phát hiện kịp thời những kẽ hở trong hệ thống.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở TTTT TPHCM cũng cho rằng, thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc tấn công mạng. Đồng thời cho biết, hiện nay, về thể chế, đã có các luật như Luật An ninh mạng, và sắp tới Chính phủ đang dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật gần như đầy đủ trong lĩnh vực về an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang có các cơ quan để thực thi pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng như Sở TTTT và Cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao…là các cơ quan trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh mạng. Ngoài ra, còn có đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng của các doanh nghiệp dịch vụ đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin.

ongthanh.jpg
Ông Ngô Minh Thành - Phó Giám đốc Sở TTTT TPHCM trả lời ý kiến của các doanh nghiệp - Ảnh: Đình Đại.

Nêu ý kiến về vấn đề chuyển đổi số của các doanh nghiệp, ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, đóng góp của chuyển đổi số vào nền kinh tế càng ngày càng lớn. Đến hiện nay, chiếm khoảng 17% của GDP là đóng góp của chuyển đổi số.

Theo ông Tuệ, trong những năm qua, HUBA đã kết nối nhiều doanh nghiệp cung ứng các giải pháp về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp hội viên có nhu cầu. Tuy nhiên, các nhà cung ứng khi đến doanh nghiệp giới thiệu các dịch vụ chuyển đổi số chưa sát với nhu cầu của các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp muốn hỏi chuyển đổi sốthì phải làm như thế nào và hết bao nhiêu tiền và bắt đầu từ đâu, phải mua sắm những thiết bị gì…, nhưng đa số các nhà cung ứng lại nói những từ kỹ thuật, những từ ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh mà doanh nghiệp rất khó hiểu. Cho nên, sự kết nối và gắn với nhau cũng còn có những khoảng cách chưa gắn với nhau được nhiều. Điều này dẫn đến việc kết quả về kết nối chuyển đổi số vẫn còn rất hạn chế”, ông Tuệ đánh giá.

Do đó, đại diện HUBA cho rằng, các nhà cung ứng dịch vụ cần phải chuyển đổi mục tiêu của mình, khi đến gặp doanh nghiệp thì không cần giới thiệu với họ về sự cần thiết của chuyển đổi số nữa, mà hãy nói cho họ biết làm như thế nào và hết bao nhiêu tiền, những công việc cụ thể và hướng dẫn doanh nghiệp thao tác…thì mới có hiệu quả.

Cũng tại Hội nghị này, đại diện Công ty 3S Hoàng Châu nêu băn khoăn về việc thời gian gần đây người dân cũng như doanh nghiệp nhận được rất nhiều cuộc gọi, cũng như đường link gửi tới nhằm mục đích lừa đảo, nhưng biện pháp ngăn chặn của các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng ở việc nhắn tin cảnh báo đến người dân, nên hiệu quả không cao và vẫn có nhiều người mắc bẫy, mặc dù cũng đã có sự đề phòng.

Từ đó, đại diện doanh nghiệp này mong muốn UBND Thành phố cũng như ngành thông tin truyền thông cần có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn những hành vi lừa đảo trên không gian mạng, và phải có những hình thức xử phạt thật nặng, để ngăn ngừa những hành vi lừa đảo này.

pc05.jpg
Đại diện Phòng an ninh mạng Công an TP HCM (PC05) thông tin về vấn đề tội phạm mạng - Ảnh: Đình Đại.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Phòng An ninh mạng Công an TPHCM (PA05) cho biết, vấn đề về tội phạm an ninh mạng trong thời gian qua đang diễn biến rất phức tạp, mang tính chất đa dạng và ngày càng gia tăng. Trong thời gian qua, ngành công an cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hạn chế các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.

Cụ thể như ngành ngân hàng cũng đã ứng dụng sinh trắc học trong giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng nhằm hạn chế thiệt hại trong vấn đề lừa đảo. Theo ghi nhận từ các ngân hàng, từ khi áp dụng biện pháp này, việc lừa đảo chuyển tiền đã giảm hẳn.

Bên cạnh đó, ngành công an cũng phối hợp với Bộ TTTT, các nhà mạng triển khai xác thực sim điện thoại chính chủ, nhằm hạn chế sim rác. Sắp tới, các nhà mạng cũng sẽ phối hợp với ngành công an để triển khai một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa việc các đối tượng lợi dụng hệ thống viễn thông, sim rác để tiến hành các cuộc gọi lừa đảo.

Ngoài ra, đại diện PA05 cũng cho rằng, đa số những trường hợp bị “sập bẫy” lừa đảo trên không gian mạng đều là do người dân chủ quan, mất cảnh giác, cùng với lòng tham…do đó, Sở TTTT cũng cần có các buổi tuyên truyền, tập huấn để nâng cao sự cảnh giác của người dân Thành phố đối với loại tội phạm này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Khánh, đại diện Công ty CP Công nghệ TK25, một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyên phát triển các sản phẩm phần cứng nêu những vướng mắc, trở ngại của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật về các sản phẩm công nghệ cho các mô hình mà doanh nghiệp đang theo đuổi. Đồng thời, mong muốn áp dụng các mô hình này vào hoạt động kinh tế số của TP HCM, nhất là kinh tế số chia sẻ.

Từ đó, ông đặt vấn đề về các chính sách dành cho những sản phẩm cũng như những mô hình kinh tế đổi mới mới thì doanh nghiệp sẽ tiếp cận qua những cách thức và phương thức nào để đạt hiệu quả nhất?

“Các chính sách mà doanh nghiệp đang tiếp cận như bảo hộ chất lượng, ISO và vận hành các linh kiện điện tử từ thế giới về Việt Nam, cũng như các tiêu chuẩn sản xuất…, hiện đang bị vướng mắc rất nhiều. Do đó, chúng tôi rất muốn được tiếp cận với các chính sách từ cơ sở, để các sản phẩm sản xuất hàng loạt có cơ hội đi ra thị trường và được bảo chứng về an toàn thông tin, cũng như an toàn về các dịch vụ đám mây”, ông Khánh mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin TPHCM lo ngại về an toàn thông tin mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO