An Trung Industries - công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings đã trở thành nhà cung ứng cho nhà đầu tư 100% vốn Hàn Quốc là Công ty Elentec Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị rất khiêm tốn, nhưng con số này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “bó tay” trước các tập đoàn quốc tế lớn.
Chật vật chen chân vào chuỗi cung ứng
Chất lượng, giá cả, thời gian chính là những yếu tố mấu chốt quyết định việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp Việt. Một thông tin lạc quan là mới đây đã có thêm một doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng trong ngành điện tử và trở thành nhà cung cấp cấp 2 hai của tập đoàn đa quốc gia, đó là An Trung Industries.
Cụ thể, An Trung Industrieslà công ty thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings đã trở thành nhà cung ứng cho nhà đầu tư 100% vốn Hàn Quốc là Công ty Elentec Việt Nam. Hiện nay, Elentec là nhà cung ứng cấp một của Samsung, chuyên sản xuất các linh kiện, phụ kiện cho các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới.
Việc ký kết hợp đồng với Công ty Elentec Việt Nam, An Trung Industries đã trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Sam sung Việt Nam.
Được biết, có được kết quả này, An Trung Industries đã có hơn một năm bền bỉ đổi mới và cải tiến về công nghệ, máy móc, nguồn nhân lực… để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Elentec và Samsung.
Đáng chú ý, để đạt được 3 tiêu chí của nhà cung cấp Elentec và Samsung đưa ra là: chất lượng, giá cả, thời gian thì An Trung Industries đã trải qua cuộc “đại cải tổ” về nguồn vốn, cơ sở vật chất và cả bộ máy tổ chức. Cụ thể, An Trung Industries đầu tư 400 tỉ đồng, với diện tích 13.000m2, 42 dây chuyền sản xuất, toàn bộ đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Làm rõ hơn ý nghĩa của yếu tố tài chính đối với doanh nghiệp hỗ trợ trong "cuộc đua" có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, đa số các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam khá cởi mở với các nhà cung cấp trong nước, nhưng đa số doanh nghiệp nội địa lại không đáp ứng được yêu cầu của họ.
Cụ thể, "Để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh việc doanh nghiệp cần đầu tư máy móc hiện đại, có quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện và luôn đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng thì yếu tố "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp cũng là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch,… cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được", bà Trương Thị Chí Bình khẳng định.
Việc có thêm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó sản xuất và bán cho các doanh nghiệp FDI là điều đáng mừng, tuy nhiên, những doanh nghiệp như An Trung Industries dường như là không nhiều, đặc biệt là những doanh nghiệp có đủ điều kiện tài chính, nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị đảm bảo quy mô sản xuất như vừa nêu lại càng khó hơn.
Bởi, đặc thù hiện nay của các doanh nghiệp nói chung hiện nay vẫn là doanh nghiệp nhỏ, lẻ quy mô sản xuất nhỏ, chi phí quản lý cồng kềnh, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay với lãi suất cao, sản xuất ra những sản phẩm với hàm lượng công nghệ thấp… Do đó, gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Panasonic… như chia sẻ của TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả… chính là rào cản, khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, ông Michael Greene – Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cũng đã chỉ ra: “Vấn đề lớn nhất là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chưa thể sản xuất được những sản phẩm đủ chất lượng, số lượng và đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường hàng hóa thế giới”.
Ngoài ra, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phụ trợ đó chính là nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng chuyên môn mới là yếu tố quyết định thay vì lao động trẻ, dồi dào.
Có một thời kỳ, câu chuyện không một công ty nội địa nào có thể cung cấp “một con ốc” cho Samsung từng làm dậy sóng dư luận vì nó cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có bước phát triển nhất định. Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ diễn ra hồi cuối tháng 12-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết hiện nay”.
Theo ông Trần Tuấn Anh, cần tập trung vào một số lĩnh vực như: công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng...
Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường. Sự phát triển đột biến của công nghiệp hỗ trợ những lĩnh vực trên sẽ mang lại những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, hiện nay có khoảng 210 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp một và cấp 2 của Samsung, tính đến tháng 4/2019.
Rõ ràng, để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng, cần phải có một "bệ đỡ", để các doanh nghiệp tham gia vào "cuộc chơi" lớn này một cách dễ dàng hơn, trong đó có thể kể đến như các yếu tố về quỹ đất, vốn lớn, đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển.
Vì vậy, “hiến kế” cho doanh nghiệp Việt Nam dưới góc độ nhà đầu tư Mỹ, ông Michael Greene cho biết: “Điều các doanh nghiệp cần làm là đầu tư tăng cường chất lượng và quy mô sản xuất, ví dụ như đạt được chứng chỉ ISO 9000, gia tăng đầu tư vào nhà máy, trang thiết bị và cần được tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn đầu tư nước ngoài”.
Ngoài ra, “các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ lao động như đã đề cập, và bây giờ chính là thời điểm thích hợp để thực hiện”, ông Michael Greene khẳng định.
Kiến nghị liên quan đến chính sách tín dụng cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, TS Phan Hữu Thắng đề xuất: “Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông qua quỹ tín dụng ưu đãi trong công nghiệp hỗ trợ và ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp hỗ trợ như các doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư khác”.
Ngoài ra, TS Phan Hữu Thắng cũng kiến nghị Nhà nước xem xét đầu tư thành lập mới doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, khi hoạt động có hiệu quả sẽ triển khai cổ phần hoá, mô hình này đã được một số quốc gia trong khu vực châu Á triển khai thành công.
Quay trở lại câu chuyện của An Phát Holdings, được biết bên cạnh việc đầu tư, chuẩn bị nguồn tài chính "dồi dào", doanh nghiệp này cũng đã mua lại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội, một trong những doanh nghiệp lớn trong mảng công nghiệp phụ trợ ngành nhựa, với các khách hàng như Toyota, Honda, Piaggio, VinFast... Tổ hợp những yếu tố đó là lý do khiến An Phát Holdings tự tin bước vào cuộc chơi trở thành nhà cung cấp của tập đoàn đa quốc gia.