Doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực Sông Sài Gòn kêu cứu

Phương Thanh 16/11/2019 06:31

Chưa có phương án xử lý triệt để việc ách tắc trên sông Lòng Tàu, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu xuất khẩu.

Ách tắc giao thông tại khu vực sông Sài Gòn - Vũng Tàu, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu

Ách tắc giao thông khu vực sông Sài Gòn-Vũng Tàu, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu

Theo thông tin phản ánh một số doanh nghiệp, hậu quả từ sự cố chìm tàu Viet Sunintegrity vừa qua, đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu lợi nhuận của khối doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi vụ tai nạn đường thuỷ này làm cho khu vực giao thông tại Sông Sài Gòn - Vũng Tàu bị ùn ứ nghiêm trọng, hàng hoá xuất khẩu đi các nước lưu thông thông qua đây với tốc độ khá chậm, khiến khối doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó.

Doanh nghiệp than trời!

Chia sẻ với Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Phương - Giám Đốc Công ty TNHH Tam Logistics & Trading cho biết;, ngoài sản lượng nhập về là 80 TEU/ tháng thì doanh nghiệp chúng tôi còn xuất khẩu 120 TEU hàng hoá, bao gồm; thép, đá, nông sản, quần áo ...đi các thị trường Châu Á, Châu Phi, Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, hiện nay do đoạn lưu thông tại khu vực sông Lòng Tàu gần như tê liệt, nguyên nhân là do chương trình trục vớt các container bị chìm và mở luồng sông bên cạnh nên các tàu lớn qua đây đều phải giảm tải, giảm số lượng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề giao hàng. Cụ thể, những lô hàng xuất đi Thái Lan và Trung Đông giờ đây chúng tôi phải đẩy sang Cảng Cát Lái, khiến việc chậm trễ giao hàng lên từ 2- 7 ngày, khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh.

"Thêm vào đó, thời gian chậm chuyến khiến hàng hoá như nông sản bị hỏng, khiến chúng tôi bị thiệt hại nặng và thất hẹn với đối tác đang là vấn đề lớn khiến chúng tôi thấy rất bất an, do ảnh hưởng đến mối hàng..." - bà Phương nói.

Không nằm ngoài sự lo lắng trên, một số doanh nghiệp vận tải đa ngành lớn tại tỉnh Đồng Nai cũng cho cho biết, hiện nay các tàu vận chuyển phải đi theo luồng Soài Rạp nên kéo dài khoảng cách từ Pilot station đến Cảng thêm một tiếng, phát sinh tăng chi phí cho Chủ tàu. Luồng Soài Rạp nông hơn Lòng Tàu nên các tàu phải điều chỉnh mớn nước hoặc đợi thủy triều cao nhất mới được vào. Điều này khiến tàu bị delay nhiều ngày, gây tốn kém cho chủ tàu và doanh nghiệp như; chi trả phí cho thuyền viên, chi phí lưu ký hàng hoá, vận chuyển...

Cũng theo thông tin của doanh nghiệp cung cấp thì một số hãng tàu đã bỏ luôn không cập ở ICD vì ảnh hưởng của luồng. Một số tàu vẫn chưa lấy lại được lịch tàu chạy ổn định, do sự ách tắc chưa được khắc phục tại đây đã làm cho tuyến vận chuyển đi nội địa, tuyến ngoại, tuyến Campuchia bị ảnh hưởng lớn. Các chủ tàu cùng hãng vận tải phải trả thêm chi phí sà lan để kéo container về giao cho khách hàng. Tàu lớn buộc phải giảm tải, giảm đáng kể số chỗ trên tàu và tiếp tục chuyển luồng cho đến khi giải quyết xong việc trục vớt khiến việc khai thác tại các cảng kém hiệu quả.

Bao giờ được thông dòng?

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục Trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, ngay khi tai nạn xảy ra, Cảng vụ đã yêu cầu Công ty TNHH Cứu hộ cứu nạn Đại Minh khẩn trương điều động 02 tàu kéo và 01 sà lan ra hiện trường thực hiện công tác quây phao ứng phó, ngăn ngừa sự cố tràn dầu.

Về vấn đề lưu thông, Cảng vụ đã chủ trì, phối hợp với Công ty CP VTB Tân Cảng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bến cảng container quốc tế Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Đường sông Miền Nam, Công ty CP cảng Phước Long, Công ty Bảo đảm ATHH Đông Nam Bộ… điều động phương tiện ra hiện trường để tìm kiếm, đánh dấu, thu gom và trục vớt các container bị rơi ra khỏi tàu, trôi nổi, bị chìm để cẩu lên sà lan đưa về tập kết tại cảng VICT.

Đến 15h00 ngày 14/11/2019 đã trục vớt được 72 containers. Trong đó, đã đưa về cảng VICT 66 container, 06 container đã được cẩu lên sà lan đang neo đậu tại hiện trường.

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải yêu cầu Chủ tàu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam triển khai phương tiện rà quét, tìm kiếm các container bị chìm trên tuyến luồng tại khu vực hạ lưu và thượng lưu vị trí tàu chìm, các vị trí xác định khả năng các container có thể trôi đến và chìm để đảm bảo an toàn hàng hải cho tuyến luồng.

Đồng thời, các đơn vị chuyên môn đã đánh giá lựa chọn giải pháp hiệu quả nhất để nhanh chóng giải phóng luồng là tạm thời nạo vét khẩn cấp khu vực Bờ Băng luồng Soài Rạp từ độ sâu -6,1m xống -7,0m để cho các tàu có mớn nước sâu ra vào an toàn, tàu biển có mớn nước sâu không phải chuyển tải ở khu vực Cái Mép trước khi vào cảng biển Tp. Hồ Chí Minh. Mặc dù đã thực hiện các giải pháp thông luồng, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhằm khắc phục về vấn đề trên đại diện doanh nghiệp vận tải Gemadept nói, các cơ quan chức năng cần thực hiện duy tu nạo vét thường xuyên để đảm bảo độ sâu tuyến luồn, đồng thời đề xuất triển khai thực hiện đấu thầu công khai, xã hội hóa công tác này theo hướng lâu dài, ổn định và đặc biệt quan tâm tới những luồng hàng hải quan trọng của quốc gia như luồng vào cảng khu vực Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Cần Thơ…

Trong đó, các cơ quan ban ngành cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường công tác quản lý tuyến luồng hàng hải vì luồng hàng hải ra/vào cảng là cực kỳ quan trọng. Bởi gaio thông đường thuỷ đóng vai trò huyết mạch trong định hướng phát triển kinh tế biển và nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Logistics Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực Sông Sài Gòn kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO