Năm 2025 sẽ là năm chuyển mình mạnh mẽ của TP HCM, trong đó, ngành giao thông được xác định là ngành tạo động lực, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối để tạo đột phá.
Khởi công hàng loạt dự án mới
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP HCM, trong 2025, TP sẽ khởi công xây dựng 4 dự án trọng điểm gồm: đường Vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái, cải tạo rạch Xuyên Tâm và cải tạo bờ Bắc kênh Đôi với tổng vốn đầu tư hơn 42.000 tỉ đồng.
Trong đó, rạch Xuyên Tâm dự kiến sẽ được xây dựng trước ngày 30/4, tổng vốn đầu tư 17.200 tỉ đồng. Tuyến rạch dài 9 km (qua các quận Bình Thạnh và Gò Vấp) đang là nỗi nhức nhối của hàng ngàn người dân đang sinh sống trong khu vực bởi đây là một trong những con rạch ô nhiễm bậc nhất Thành phố. Sau hơn 20 năm lận đận vì giải phóng mặt bằng, kế hoạch triển khai, công trình nạo vét, cải tạo và xây dựng hạ tầng cho tuyến rạch đã được Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng từ vốn ngân sách, thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2028. Dự án cải tạo thoát nước và môi trường rạch Xuyên Tâm khi hoàn thành sẽ đảm bảo mục tiêu thoát nước chống ngập cho khu vực. Đồng thời kết nối giao thông cục bộ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, nước thải sẽ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Cùng với cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (Q.8) với tổng mức đầu tư 7.400 tỉ đồng sẽ được khởi công trong quý 3. Công trình xây dựng 4,3 km bờ kè, nạo vét lòng kênh, mở rộng các tuyến đường dọc bờ kênh, xây mới đường Nguyễn Duy nối dài và cầu Hiệp Ân 2, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, xây dựng bến khách dọc kênh theo kế hoạch cũng hoàn thành vào 2028, mang lại diện mạo mới cho toàn khu vực.
Đối với đường Vành đai 2, TP HCM sẽ triển khai 2 đoạn qua TP Thủ Đức, gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5 km và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km. Dự kiến khởi động quý 3 và hoàn thành vào năm 2027. Khép kín Vành đai 2 là mục tiêu quan trọng của TP trong nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo bởi tuyến đường có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm ùn tắc giao thông, kết nối các cụm cảng lớn như Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ.
Và cuối cùng là dự án cầu đường Nguyễn Khoái hơn 3.700 tỉ đồng, kết nối Q.7, Q.4 và Q.1. Đối với dự án này, TP HCM sẽ dự kiến khởi công trước một số hạng mục cầu và đường dẫn phía Q.1 trong quý 4 năm nay. Đây là dự án được mong chờ suốt nhiều năm qua, được kỳ vọng làm thay đổi bức tranh giao thông đang quá tải ở khu nam TP nhờ giảm ùn tắc khu vực Q.4, chia sẻ áp lực giao thông từ Q.7, Q.8 và huyện Nhà Bè.
Đáng chú ý, bên cạnh các dự án đầu tư công của TP đang chuẩn bị khởi công thì dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn cũng được Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đốc thúc và có công văn gửi lãnh đạo TP HCM đăng ký tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn sớm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu. Theo đề xuất mới, lễ khởi công chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 29/3/2025. Nutifood đang tiến hành chuẩn bị song song nhiều hạng mục để tổ chức lễ khởi công đúng ngày theo đề xuất nói trên.
Liên quan tới dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, cho biết cầu đi bộ nằm giữa vị trí quan trọng, bởi, sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện trọng đại và là điểm thu hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Vì vậy, việc xây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn rất có ý nghĩa, mang đến nhiều giá trị to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy, đưa Thủ Thiêm thành trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ mà còn tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch, giúp người dân và du khách có thêm một địa điểm đẹp để đến đi dạo, thư giãn, vui chơi, thưởng thức vẻ đẹp của TP.
Tái khởi động những dự án trọng điểm
Đáng chú ý, bên cạnh việc chuẩn bị khởi công những dự án mới, thì ngay những ngày đầu xuân năm mới 2025, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại TP đã được chủ đầu tư và các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc làm việc 24/24 giờ để kịp hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân trong năm nay.
Liên quan tới việc tái khởi động các dự án giao thông trọng điểm nhằm đảm bảo tiến độ thông suốt hệ thống hạ tầng giao thông TP, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho biết tại cửa ngõ phía Nam, sau khi cầu Long Kiểng, cầu Rạch Đỉa, một phần QL50 và nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ lần lượt thông xe, tình hình giao thông của khu vực đã được cải thiện một cách rõ rệt, thì dự án mở rộng QL50, H.Bình Chánh, cũng đang được đẩy nhanh để hoàn thành toàn bộ trong 2025. Những công trình trên sẽ mở ra các trục đường mới, khơi thông hạ tầng giao thông, chia sẻ áp lực cho hàng loạt tuyến đường vốn quá tải tại khu Nam.
Cũng theo ông Phúc, trong năm nay, các hạng mục của dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn thiện, góp phần giải quyết ùn ứ cho tuyến đường ra vào cảng Cát Lái. Đồng thời, nút giao An Phú - nút giao lớn và phức tạp nhất TP HCM - điểm kết nối nhiều trục đường quan trọng gồm: Mai Chí Thọ, Lương Định Của, cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, sẽ hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm. Khi đó, điểm nóng giao thông khu đông sẽ chính thức được xóa bỏ nhờ hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao đường Đồng Văn Cống. Trên cao, hai cầu vượt được thiết kế cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng được xem là điểm nhấn đặc biệt cho công trình.
Ngoài ra, cầu Nhơn Trạch và Vành đai 3 qua TP Thủ Đức tạo tuyến đường huyết mạch liên kết vùng cũng đặt mục tiêu về đích trong năm nay.
“Với hàng loạt những dự án lớn khơi thông các nút thắt giao thông từ nội đô tới cửa ngõ, kết nối liên vùng, ngành giao thông TP HCM xác định 2025 là năm bản lề của giai đoạn lột xác giao thông TP. Lãnh đạo TP đã xác định phải dồn lực ưu tiên đầu tư dứt điểm các hạ tầng chính, mang tính chiến lược để giao thông thực hiện sứ mệnh đi trước mở đường, đưa TP HCM bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên mới cùng với đất nước”, ông Phúc nhấn mạnh.