Trở về từ chiến trường, với nhiệt huyết và khát vọng xóa đói giảm nghèo, ông dấn thân vào thương trường và đã có nhiều đóng góp lớn trên mặt trận phát triển kinh tế.
Ông là doanh nhân Đặng Văn Thái – GĐ Cty CP May Xuất khẩu Việt Thái (Thái Bình).Ông Đặng Văn Thái tâm sự: Xuất phát từ mô hình doanh nghiệp nhà nước với gần 100 lao động từ năm 1997, tới năm 2005 Vitexco bắt đầu chuyển sang cổ phần hóa với 835 lao động.
Người thủ lĩnh vững tay chèo
Ban đầu, Cty gặp rất nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm của toàn Cty, sau 8 năm, Vitexco đã cổ phần hóa được 100%.
Từ đây, Vitexco bắt đầu tăng tốc, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, phát triển khách hàng và đầu tư xây dựng nhà xưởng.
Năm 2012, Vitexco đầu tư về xã Thanh Tân (Kiến Xương) mỗi năm xây dựng một nhà xưởng và đến nay 3/4 nhà xưởng đã đi vào hoạt động. Tất cả các con số đều không ngừng tăng trưởng vượt bậc từ đây: số lao động ngày càng cao, duy trì đà tăng trưởng 30%/năm
Bên cạnh đó, việc mở rộng đầu tư sản xuất của Cty tại các vùng nông thôn đã góp phần rất lớn tạo công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao được chất lượng đời sống cho người dân vùng nông thôn, giảm thiểu được vấn đề áp lực giao thông, thúc đẩy nông thôn mới phát triển.
Bước ngoặt thành công
Với quy mô 2 nhà máy, 4 xưởng may cùng gần 3.000 lao động, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng, Cty có bộ phận thiết kế chuyên nghiệp, bộ phận đặt hàng trẻ trung năng động, bộ phận may mẫu luôn đáp ứng khách hàng trong thời gian sớm nhất với các sản phẩm xuất sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Úc với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Columbia, C & A, Hallit…
“Kết quả đó là bước chuyển mình ngoạn mục từ khi Việt Thái chuyển từ mô hình nhà nước sang Cty cổ phần” - ông Thái nhấn mạnh.
Hiện tại 80% khách hàng của Vitexco là hàng FOB (thuật ngữ thương mại: Giao lên tàu) với rất nhiều thương hiệu lớn như Colombia, Soliver và 20% làm gia công với đa dạng các sản phẩm như quần áo jacket, quần trượt tuyết, hàng leo núi, câu cá. Thị trường xuất khẩu chính của Vitexco là Mỹ chiếm 50%, 30% châu Âu, còn lại là Canada, Hàn Quốc và thị trường khác
Ðặc biệt hơn, từ năm 2015 tới nay, Vitexco không chỉ làm theo hai hình thức là gia công và hàng FOB mà còn tiến tới may hàng OEM (tự khai thác nguyên vật liệu) và tới năm 2020 phát triển theo hướng ODM (các công đoạn do Cty thực hiện không phụ thuộc vào khách hàng, từ thiết kế, may và maketing đều do công ty và đưa tới tận tay khách hàng). Ðây là hình thức cao nhất của ngành may mà ở Việt Nam rất ít đơn vị làm được..
Theo ông Thái, để góp phần tạo nên thành công lớn của một doanh nghiệp, trước hết, phải chọn được đối tác tin cậy, có bề dày kinh nghiệm, có thương hiệu trên thương trường toàn cầu, đặc biệt phải có khả năng tài chính tốt. “Đảm bảo được những yếu tố này mới thật sự chắc chắn để mang lại được thành công lớn”.
Ðến nay, Vitexco không chỉ được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý mà còn đạt nhiều chứng chỉ quan trọng như Iso 9001, Iso 14.001, OH SAS 18001 & SA 8000 inmanagement.