Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu vẫn chưa được triển khai.
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) đưa ra câu hỏi liên quan đến tiến độ các nhà máy điện, trong đó có dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu (dự án điện Bạc Liêu).
Mờ mịt ngày triển khai
đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho rằng dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ (18 tháng) và được đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Thủ tướng đã 2 lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch Điện VII.
Tỉnh Bạc Liêu và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án quan trọng này của tỉnh nghèo Bạc Liêu vẫn chưa được Bộ trưởng Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao lại có sự chậm trễ như vậy? Cần tiếp tục thực hiện những thủ tục gì để dự án này được Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh”, đại biểu đoàn Bạc Liêu chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã trình dự án này vào ngày 2/12/2018, và được Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm đưa vào bổ sung trong quy hoạch điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển nội địa.
Ngay trong tháng 12/2018, Bộ Công Thương triển khai việc tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng để thực hiện theo quy định pháp lý bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện. Như vậy, Bộ Công Thương có 2 lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để bổ sung quy hoạch dự án. Hiện, Chính phủ đang xem xét để bổ sung quy hoạch, triển khai thực hiện thời gian tới.
Trước câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng theo bà biết dự án điện gió Bạc Liêu giải quyết rất chậm. Trong 18 tháng qua, thủ tục đầu tư đã đầy đủ hết. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến.
“Người dân kêu rất nhiều nhưng bây giờ cứ nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Bộ trưởng Công Thương tiếp tục khẳng định đã 2 lần báo cáo, hiện nay đang đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Ngay sau khi có ý kiến bổ sung, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc triển khai dự án.
Về thời điểm thực hiện, ông Trần Tuấn Anh cho biết bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Vì thực tế, nước ta đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm điện này.
“Tôi cũng không thể nói được là thời điểm nào, vì phải đợi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ cho ý kiến. Sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định. Chúng tôi hy vọng dự án sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ngày 29/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét các đề nghị của Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch này và các quy hoạch liên quan.
Trong thông báo kết luận, Phó Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá tổng hợp bổ sung một số khía cạnh có liên quan đến cả nhà máy Điện Bạc Liêu cũng như các giải pháp để bảo đảm đánh giá về hiệu quả và cũng như tác động chung đến cân đối điện và mặt bằng giá điện và rất nhiều vấn đề khác liên quan. Bộ Công Thương đã triển khai và báo cáo Thủ tướng việc hoàn thiện các nội dung liên quan, trong đó có dự án nhà máy điện Bạc Liêu.
Giấc mơ dang dở
Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu là một trong những dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, tổng diện tích Dự án là 140 ha, gồm 100 ha ngoài khơi bờ biển Bạc Liêu (phục vụ khu tổ hợp trên biển) và 40 ha đất tại xã Vĩnh Hậu B, huyện Hòa Bình (phục vụ cho khu vực nhà máy điện trên bờ). Nhà đầu tư phát triển dự án là Công ty TNHH Delta offshore Energy Pte.Ltd (Singapore) cùng 2 đối tác chiến lược là Tập đoàn GE (Mỹ) và Ngân hàng DNB (Na uy).
Có thể bạn quan tâm
00:00, 08/11/2019
09:58, 07/11/2019
09:00, 07/11/2019
18:39, 06/11/2019
18:24, 06/11/2019
Theo kế hoạch, Dự án được triển khai trong 10 năm, từ 2018 đến năm 2027 và được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, hoàn thành xây dựng nhà máy điện công suất 1.000 MW, dự kiến khởi động trong năm 2018, đi vào hoạt động cuối năm 2021. Giai đoạn II, xây dựng bổ sung nhà máy điện với công suất 1.000 MW, đi vào hoạt động cuối năm 2024. Giai đoạn III, xây dựng tiếp nhà máy điện khí công suất 1.200 MW, đi vào hoạt động năm 2027.
Tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung Dự án điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch phát triển Điện, làm cơ sở để triển khai dự án.
Địa phương cũng cho hay đây thực chất là dự án thay thế cho Dự án Trung tâm điện lực Bạc Liêu (Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng tại huyện Đông Hải) thuộc Danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư đến năm 2020 của tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2012.
Trước đó vào tháng 7/2018, tỉnh Bạc Liêu cũng có văn bản đề nghị bổ sung Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch Điện quốc gia.
Vào tháng 3, khi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay việc bổ sung thêm Nhà máy điện LNG Bạc Liêu quy mô 3.200 MW cho khu vực vào khoảng năm 2024-2026 sẽ có thể giải quyết được một số vấn đề như tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất truyền tải, nâng cao chất lượng điện năng; góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư tự phát triển nguồn điện; đáp ứng các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải nhà kinh, tạo thêm việc làm cho nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Bộ Công Thương trong báo cáo thẩm định của mình hồi tháng 3 đã đề xuất trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án thì sẽ thực hiện theo từng bước.
Theo đó, bước 1 là bổ sung Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 1 quy mô 800 MW, vào vận hành năm 2024. Bước 2 là bổ sung các Nhà máy điện LNG Bạc Liêu 2, 3, 4 với quy mô 800 MW/nhà máy vào vận hành sau năm 2025.
Dẫu vậy Bộ Công Thương cũng khuyến nghị nhiều vấn đề cần nghiên cứu chi tiết để dự án có thể triển khai được trên thực tế, thay vì chỉ giữ chỗ và làm mất cơ hội của các nhà đầu tư khác.
Đến nay, dù địa phương đưa ra kế hoạch triển khai đã được 18 tháng, được đồng ý về nguyên tắc nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng trong việc cho triển khai.