Trong khi virus corona gây viêm phổi lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, trên Facebook, những tin tức giả mạo về virus này cũng lan truyền khiến nhiều người hoang mang.
Trong khi các nhà khoa học, bác sĩ đang chạy đua từng giờ để tìm ra phác đồ điều trị và vắc xin phòng chống virus corona(virus 2019-nCoV) thì trên "mặt trận" truyền thông, Facebook cũng đang rất tích cực để xử lý các tin tức giả mạo liên quan đến loại virus này đang được lan truyền nhanh chóng trên Facebook khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang.
Không lâu sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh do virus corona khởi phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc gây ra là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, thì Facebook cũng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để xóa bỏ các tin tức giả mạo liên quan đến loại virus này, bao gồm các bài viết không chính xác về số người bị nhiễm, số người bị tử vong hoặc các hướng dẫn không chính xác về cách phòng và chữa trị virus Vũ Hán.
Với một số bài viết và tin tức giả mạo, Facebook sẽ không xóa ngay các nội dung này mà sẽ hiển thị một hộp thoại và gắn nhãn "Thông tin sai lệch - Được kiểm tra bởi người kiểm tra thực tế độc lập" lên phía trên các bài viết để người dùng được biết và cân nhắc về mức độ chính xác của các thông tin đang được chia sẻ.
Bên cạnh việc xóa các bài viết không chính xác, Facebook cũng sẽ khóa và hạn chế các hashtag được sử dụng để truyền bá các thông tin sai lệch trên nền tảng mạng xã hội Instagram (cũng thuộc quản lý của Facebook).
Đây được xem là những nỗ lực của Facebook nhằm trấn áp các thông tin sai lệch liên quan đến loại dịch bệnh đang bùng phát trên toàn cầu này nhằm giúp trấn an dư luận.
Các tin tức giả mạo và thông tin sai lệch về y tế là một trong nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu trên Facebook mà mạng xã hội này đang phải "đau đầu" tìm cách giải quyết, bởi lẽ các thông tin sai lệch này không chỉ gây hoang mang cho người dùng Facebook mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm khi người dùng có thể thực hiện theo các hướng dẫn chữa bệnh sai cách.
Với hơn 2,3 tỷ người dùng hàng tháng (cả Facebook lẫn Instagram), Facebook đang cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của mình với các vấn đề trên toàn cầu, do vậy nếu không xử lý được các tin tức giả mạo được lan truyền trên nền tảng mạng xã hội này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính Facebook.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 11,7 nghìn người nhiễm virus Vũ Hán trên toàn cầu, trong đó có 259 trường hợp tử vong (tất cả đều ở Trung Quốc). Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 ca mắc loại virus này và đã có một trường hợp được chữa trị khỏi.