Công ty CP FPT (HoSE: FPT) được nhà đầu tư trên thị trường chú ý khi quyết tâm bay cao cùng trí tuệ nhân tạo (AI), với sự ra mắt nhà máy AI và sự đồng hành của "ông lớn" Nvidia.
Các mảng kinh doanh của FPT được kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng mạnh từ năm 2025.
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, cổ phiếu FPT ghi nhận có mức đóng góp tốt nhất cho VN-Index áp sát vùng giá 1.300 điểm, khi cổ phiếu này tăng mạnh, dừng tại 149.500 đồng/cp, mức cao nhất 18 năm niêm yết, tăng 82% qua 1 năm. Theo đó, FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi đạt gần 220.000 tỷ đồng (8,7 tỷ USD).
Ngày 11/12, cổ phiếu FPT tiếp tục tăng lên kỉ lục mới với +1.000 đồng/cp tương ứng 0,7%, đưa thị giá vượt mốc 150.000 đồng, đóng cửa tại 150.500 đồng, tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong lịch sử niêm yết của FPT. Chốt phiên cuối tuần này, FPT chia cổ tức đợt một bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng), mang về cho các cổ đông lớn sở hữu thêm khoản lợi nhuận ròng đáng giá.
Cổ phiếu FPT tăng mạnh trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ 2 của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Nvidia. Tập đoàn này đã bắt tay hợp tác cùng FPT với thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory đầu tiên. Tháng 11/2024, hai bên mở thêm một nhà máy AI tại Nhật Bản và dự kiến có những nhà máy mới trong thời gian tới.
Hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Nvidia trong việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam được kỳ vọng cũng sẽ có sự đóng góp - hưởng lợi cho FPT. Đối với mảng công nghệ thông tin, FPT cũng đang đặt kỳ vọng rất lớn từ bước đột phá trong lĩnh vực AI tại Việt Nam thông qua AI Factory và các bước kế tiếp.
Trong quý 3/2024, FPT đã ký kết hợp đồng chuyển đổi số (DX) mới trị giá 225 triệu USD (thời hạn 3 năm) với một khách hàng hiện hữu tại Mỹ, nhờ vào năng lực mạnh mẽ và sự cam kết của FPT đối với khách hàng. Hợp đồng này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu theo hợp đồng đã ký của FPT tại thị trường Mỹ trong quý 4/2024. Cùng với hợp đồng này, FPT giành được thị phần trên toàn cầu, với giá trị trên mỗi hợp đồng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Do đó, FPT tự tin đảm bảo các hợp đồng lớn hơn trong tương lai.
Ngoài ra, chi tiêu cho công nghệ thông tin (CNTT) tại Mỹ cũng được dự báo tăng lên. Yếu tố chi tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thị trường đóng góp lớn cho thu nhập mảng CNTT của FPT, bên cạnh thị trường rất vững chân là Nhật Bản.
Trong 9 tháng năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu 45.241 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,3% và 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 62% doanh thu và 47% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn này, tương đương 27.964 tỷ đồng và 3.812 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24,2% và 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy trong giai đoạn 2023-2024, mảng CNTT của FPT đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh vẫn hạn chế về sức chi tiêu và giảm đầu tư công nghệ, chuyển đổi số.
Bên cạnh mảng CNTT chủ lực và đầy triển vọng, đặc biệt FPT sẽ ra mắt dịch vụ cho thuê GPU (GPUaaS) tại cả Nhật Bản và Việt Nam và dự kiến đạt biên EBITDA khoảng 50% cho mảng này năm 2025, thì mảng dịch vụ viễn thông của FPT cũng đang có những bước tiến mới khi công ty có kế hoạch phát triển mảng truyền hình trả phí và ra mắt trung tâm dữ liệu D9 trong năm 2025. Mảng này trong 9 tháng 2024 ghi nhận doanh thu đạt 12.320 tỷ đồng, tăng trưởng 9,2% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.547 tỷ đồng, tăng 14,9%.
Thách thức của dịch vụ mảng này vẫn tồn tại về nhân lực, công nghệ, đầu tư... Tuy nhiên với các doanh nghiệp nói chung theo một khảo sát, là câu chuyện không dễ hóa giải, đặc biệt đối với thị trường trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt để giữ người dùng có xu hướng dịch chuyển nghe nhìn trên không gian số.
Với mảng giáo dục, theo Vietcap, FPT gặp một số khó khăn trong năm 2024, khiến tăng trưởng tuyển sinh chỉ đạt mức một chữ số, nhưng FPT kỳ vọng tăng trưởng tuyển sinh sẽ phục hồi vào năm 2025. Mảng này theo báo cáo kết quả kinh doanh, đóng góp cho FPT hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu, đạt tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trở lại với câu chuyện hợp tác cùng Nvidia, đây cũng là đòn bẩy tạo kỳ vọng tăng trưởng mảng giáo dục đột biến trong tương lai khi nhu cầu đào tạo nhân sự ngành chip và bán dẫn sẽ tăng cao đáng kể, và khả năng ươm tạo và phát triển tài năng AI bằng cách sử dụng các công nghệ AI tiên tiến của Nvidia hứa hẹn là đất màu mỡ cho FPT, thậm chí DSC dự báo điều này có thể giúp FPT dẫn dắt mảng giáo dục trong thập kỷ tới.
Với những diễn biến gần đây, theo SSI Research, FPT có thể tiếp tục gia tăng thị phần tại thị trường nước ngoài, điều này sẽ hỗ trợ mảng CNTT. Do đó, SSI điều chỉnh tăng P/E mục tiêu mảng CNTT lên 30x (từ 23x). Nhóm phân tích nâng khuyến nghị từ ‘khả quan’ lên ‘mua’ đối với cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu theo pp SOTP 12 tháng là 186.300 đồng/cp.
8.111 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay của FPT, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023.