Giải bài toán giảm phát thải trong các ngành công nghiệp

PHƯƠNG THANH 17/04/2023 03:30

Các ngành công nghiệp như năng lượng, sản xuất thép, xi măng, hóa chất, nhựa và giấy đã phát thải lượng lớn carbon ra môi trường. Tuy nhiên tất cả ngành này vẫn gặp khó về bài toán giảm phát thải.

>>Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Mục tiêu

Theo số liệu năm 2015, ngành năng lượng có lượng phát thải lớn nhất chiếm 37,6% tổng lượng phát thải, thứ hai là ngành giao thông vận tải, đóng góp tới 22,6% lượng khí thải, trong khi các ngành công nghiệp khác (không phát thải từ điện) chiếm 21,3%. Tuy nhiên, các tỷ lệ dự kiến sẽ tăng cao vào năm 2030, trong đó ngành công nghiệp năng lượng dự kiến sẽ đóng góp 57,4% vào lượng khí thải, tiếp theo là giao thông vận tải 14,3% và các ngành khác là 23,9%.

Đáng quan ngại trong tương lai, các dự báo cho năm 2050 cho thấy ngành năng lượng vẫn có tỷ lệ phát thải lớn nhất ở mức 59,1%, trong khi giao thông vận tải và các ngành công nghiệp khác đóng góp lần lượt là 16,9% và 21,5%. Những con số này cho thấy cần thiết phải hành động ngay lập tức và các giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Các ngành công nghiệp nặng đang phát lượng khí thải c

Các ngành công nghiệp nặng đang phát thải lượng lớn carbon ra môi trường

Đưa ra nhận xét, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy – Chuyên gia năng lượng, Khoa Kỹ thuật Địa Chất và Dầu Khí, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM cho biết, có một số ngành công nghiệp chịu trách nhiệm thải một lượng lớn carbon dioxide vào khí quyển gồm; sản xuất thép, xi măng, hóa chất, nhựa và giấy. Để chống lại tác hại của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng đến năm 2030.

"Cụ thể, mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10,89% trong ngành xi măng, 5-16,5% trong ngành thép, trên 10 % trong ngành hóa chất và 21,55 – 24,81% trong ngành nhựa. Những mục tiêu này rất quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon của các ngành công nghiệp ra môi trường, tuy nhiên phương án giảm bằng cách nào vẫn còn bế tắc", PGS.TS Nguyễn Xuân Huy nói.

Với mục tiêu trung hòa carbon, trước đó tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh), Việt Nam đã thể hiện tham vọng cắt giảm phát thải carbon khi cam kết giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và tăng mức cắt giảm lên 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Cam kết này đã được cập nhật vào cuối năm 2022, phản ánh tham vọng rút ngắn thời gian thực hiện giảm phát thải ròng bằng không như mục tiêu đề ra. Đây được coi là bước đi tiên phong của Việt Nam trong chiến lược đồng hành cùng các quốc gia để bảo vệ tầng khí quyển khi cùng chung tay giữ mức nhiệt độ toàn cầu khống chế dưới 1,5 độ C và đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 45% lượng khí thải CO2 so với năm 2010.

Tuy nhiên theo các doanh nghiệp bài toán để thực hiện mục tiêu giảm phát thải với những ngành công nghiệp vẫn còn bất cập, chưa có lộ trình, kinh phí thực hiện.

Thách thức

>>Doanh nghiệp làm gì để cùng Chính phủ giảm phát thải ròng bằng “0”?

bài toán để thực hiện mục tiêu giảm phát thải với những ngành công nghiệp vẫn còn bất cập, chưa có lộ trình, kinh phí thực hiện

Bài toán để thực hiện mục tiêu giảm phát thải với những ngành công nghiệp vẫn còn bất cập, chưa có lộ trình, kinh phí thực hiện

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Thịnh - Phòng Kỹ thuật, Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, chi phí sử dụng năng lượng chiếm 30 - 40% tổng giá trị sản xuất. Hiện giá năng lượng đang cao có thể chiếm đến 50% chi phí nhiên liệu. Nhưng để sử dụng chất thải là nhiên liệu trong lò nung xi măng hiện nay còn vướng bởi thủ tục cấp giấy phép mất thời gian và các quy định, chính sách chưa đồng bộ, không có quy định cho việc hỗ trợ chi phí xử lý chất thải trong sản xuất xi măng... Điều này dẫn đến các đơn vị sản xuất xi măng khó tham gia đồng xử lý chất thải.

Đưa ra mục tiêu, PGS.TS Lương Đức Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá, Việt Nam là nước sản xuất xi măng lớn trên thế giới, năng lực sản xuất clinker (Nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất xi măng - chất kết dính trong xây dựng) sẽ đạt trên 100 triệu tấn/năm với 57 nhà máy sản xuất xi măng và 81 dây chuyền. Chính phủ đã có chủ trương sử dụng nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker đã đưa ra yêu cầu cụ thể cho các năm mốc 2030 (15%) và 2050 (30%). Để đạt được mục tiêu này, đối với việc tái sử dụng và đồng xử lý chất thải trong ngành xi măng thì tất cả các dây chuyền sản xuất phải sử dụng nguyên liệu thay thế từ chất thải công nghiệp với tỷ lệ 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

“Hiện nay đã có một số doanh nghiệp sử dụng nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu sản xuất clinker, nhưng mức sử dụng toàn ngành còn thấp khoảng 1%. Do đó, tiềm năng sử dụng chất thải nhựa không tái chế làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker ở Việt Nam là rất lớn” - ông Long chia sẻ.

Thế nhưng theo các chuyên gia, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong ngành xi măng còn thấp là do Việt Nam còn thiếu chính sách khuyến khích, ưu đãi cũng như còn nhiều rào cản và thách thức đối với đồng xử lý chất thải.

Giải pháp

Góp ý cho giải pháp hạn chế carbon với các ngành sản xuất, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy đề xuất, để khử cacbon trong ngành sản xuất và chống biến đổi khí hậu, chúng ta có nhiều giải pháp có thể được thực hiện, trong đó có 5 giải pháp chính gồm:

Một là, cần tối ưu hóa việc sử dụng nhiên liệu để vận chuyển, bằng cách khám phá các loại nhiên liệu thay thế hoặc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của các phương tiện hiện có. Hai là, giảm tiêu thụ nhiệt và tận dụng nhiệt thải, thu giữ và tái sử dụng nhiệt thải do các quy trình công nghiệp tạo ra.

Ba là, giảm tiêu thụ điện thông qua các công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc các nguồn năng lượng tái tạo cũng có thể có tác động đáng kể. Bốn là, tăng cường quản lý và tối ưu hóa quy trình sản xuất có thể giúp xác định và giảm lượng khí thải carbon ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng công nghiệp.

Năm là, tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, trồng thêm cây xanh để hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.

“Trên đây là những giải pháp quan trọng để khử carbon trong ngành công nghiệp sản xuất, góp phần sớm đạt được mục tiêu kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Việc chấp hành của các doanh nghiệp sản xuất kết hợp với các phương pháp này không chỉ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon ra môi trường, mà còn góp phần tạo tác động tích cực đến toàn bộ xã hội…” - PGS.TS Nguyễn Xuân Huy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải

    Một triệu héc ta lúa chất lượng cao: Hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải

    04:58, 08/04/2023

  • Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    Mục tiêu giảm phát thải thông qua chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

    11:15, 07/01/2023

  • Hydrogen xanh góp phần giảm phát thải carbon ở Việt Nam

    Hydrogen xanh góp phần giảm phát thải carbon ở Việt Nam

    15:00, 19/10/2022

  • Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 giảm phát thải 30.000 tấn CO2

    Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 giảm phát thải 30.000 tấn CO2

    16:35, 25/08/2022

  • Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    Cần hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường carbon

    04:50, 14/03/2023

  • Áp lực thuế carbon với doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

    Áp lực thuế carbon với doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

    03:00, 11/02/2023

  • Nghiên cứu nhiên liệu sinh học: Bước đi mới trong hành trình Trung hòa carbon của Toyota

    Nghiên cứu nhiên liệu sinh học: Bước đi mới trong hành trình Trung hòa carbon của Toyota

    15:43, 17/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán giảm phát thải trong các ngành công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO