Các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động.
Kể từ khi dịch COVID-19 khởi phát và có dấu hiệu ảnh hưởng tới Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương vào cuộc rất khẩn trương, chủ động và từ rất sớm.
Theo đó, vừa tập trung thực hiện mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việt Nam cần có cách nhìn và có chính sách phù hợp, để nắm bắt cơ hội và phát triển mạnh nền kinh tế "hậu" dịch bệnh COVID-19.
Đến nay, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn trước tác động của dịch COVID-19 như: Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch COVID-19.Có thể bạn quan tâm
06:35, 10/04/2020
15:00, 09/04/2020
08:00, 10/04/2020
Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài; triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ tín dụng, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, sớm thực hiện việc gia hạn, giảm thuế, phí liên quan cho doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm trong nước, đẩy mạnh thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; xúc tiến và mở rộng các thị trường xuất khẩu.
Theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế để xem xét, đề xuất gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm kích thích tăng trưởng vào thời điểm phù hợp.
Triển khai các giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kiểm soát giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp; bảo đảm cung ứng đủ lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân…
Để tiếp tục giải quyết các vấn đề nêu trên, Chính phủ có kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để xem xét, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hộ; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Đây là Hội nghị rất quan trọng, vừa có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay, vừa xem xét tới các vấn đề một cách tổng thể và trong dài hạn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Bộ Công Thương cho rằng, các nội dung này sẽ tiếp tục bám sát định hướng xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian vừa qua, trong đó sẽ tập trung giải quyết một cách toàn diện các vấn đề về kinh tế, an sinh xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội cả trong giai đoạn trước mắt ứng phó với dịch bệnh cũng như trong giai đoạn “hậu dịch bệnh”.
Các cấp, các ngành sẽ tăng cường giám sát, triển khai thực hiện để các chính sách khi ban hành đảm bảo sớm đến được với doanh nghiệp cũng như người lao động.
Về phía ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã rất chủ động và quyết liệt triển khai các biện pháp để góp phần thực hiện mục tiêu chung là phòng chống dịch bệnh có hiệu quả và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như khơi thông cho hoạt động xuất nhập khẩu; tìm kiếm thị trường thay thế cho doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả thị trường cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường cho xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam).
Chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khơi thông dòng lưu chuyển hàng hóa; chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; Phát triển thị trường nội địa, bảo đảm cung ứng hàng hóa trong nước... góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cách nhìn và có chính sách phù hợp, nắm bắt cơ hội để khắc phục nhanh và phát triển mạnh nền kinh tế sau hậu dịch bệnh COVID-19.
Bộ Công Thương nhìn nhận, đây sẽ là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, đối tác, ngành hàng; giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động, để từ đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong cả trước mắt và lâu dài.
Đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh. Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong thương mại nhất là thương mại điện tử.
Qua đó, xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, có khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất qua đó thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển.