[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Đừng để “tiền treo cột mỡ”!

Diendandoanhnghiep.vn Nhiều doanh nghiệp ví von gói tín dụng 300.000 tỷ đồng giống như "tiền treo cột mỡ", dù các doanh nghiệp rất muốn, nhưng leo mãi mà không với tới được gói tín dụng này.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận được gói tín dụng 300.000 tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận được gói tín dụng 300.000 tỷ đồng

Khó tiếp cận gói tín dụng "vì đều là...nguy hiểm"

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nâng quy mô gói hỗ trợ tín dụng lên 300.000 tỷ đồng. Đó quả là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do dịch COVID-19.

Không vui sao được khi mà theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, 20 tổ chức tín dụng đã tham gia gói hỗ trợ tín dụng này (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế) đều cam kết giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch; thậm chí có ngân hàng còn công bố giảm lãi suất cho vay tới 4,5%/năm. 

Thế nhưng, dù triển khai đã được hơn 1 tháng, song nhiều doanh nghiệp vẫn "than ngắn thở dài" không thể nào tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng do không có tài sản đảm bảo, khó chứng minh thiệt hại cũng như dòng tiền trả nợ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Điển hình trong số này là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ăn uống (F&B) hay các doanh nghiệp lữ hành, bởi đa phần mặt bằng đều là đi thuê nên không thể đưa ra làm tài sản thế chấp; còn dòng tiền trả nợ cũng rất khó chứng minh do nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chẳng thể mà ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Nafoods phải chua chát nói tại một hội thảo rằng doanh nghiệp một đằng kẹt vốn, một đằng nông dân, nhà cung cấp muốn đòi nợ. "Nhưng đến làm việc tại các ngân hàng thì mọi việc không đơn giản. Nhân viên ngân hàng lo ngại nợ xấu nên làm khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay”, Chủ tịch Nafoods cho biết và cũng thông tin thêm nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè của ông phải vay nóng bên ngoài bởi chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay ngoài rất cao, 1 triệu đồng mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày.

Tình cảnh "dở khóc dở cười" khi gói tín dụng hàng trăm nghìn tỷ sẵn sàng mà ngân hàng lại “không biết cấp vốn cho ai vì đều là...nguy hiểm” cũng được Chủ tịch tập đoàn FPT chỉ ra. Nếu các doanh nghiệp đều bị xem là "nguy hiểm", thì hẳn cũng biết việc tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng khó biết chừng nào?

Gỡ vướng bằng cách nào?

Ở phía ngân hàng, cũng khó trách bởi gói tín dụng 300.000 tỷ đồng không phải là gói hỗ trợ từ nguồn ngân sách, mà từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Việc cho vay ra sao, cho vay bao nhiêu, điều kiện thế nào đều tùy thuộc vào năng lực tài chính và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng.

Bản thân NHNN cũng không khuyến khích các ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng do lo ngại nợ xấu tăng và cũng đang có nhiều luồng hỗ trợ như bơm tiền với lãi suất thấp qua thị trường mở (lãi suất chỉ 3,5%/năm). Song các ngân hàng hấp thụ rất ít, cho thấy các ngân hàng chưa có nhu cầu. Ngay cả tái cấp vốn với lãi suất thấp cũng chỉ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Ngặt nỗi, các ngân hàng chỉ được vay tái cấp vốn tối đa 60% tổng dư nợ gốc của các khoản cho vay trong bảng kê hồ sơ tín dụng để tái cấp vốn. Hơn nữa, khi cho vay từ nguồn tái cấp vốn, các ngân hàng lại cẩn trọng hơn vì nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, thì ngân hàng rất có thể sẽ bị kiểm soát đặc biệt.

TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để giải ngân cho các doanh nghiệp theo gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, các TCTD phải xem xét rất kỹ về năng lực trả nợ của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đã suy kiệt vì dịch COVID-19. Những doanh nghiệp có sức khỏe yếu hoặc không chứng minh được dòng tiền trả nợ, thì chắc chắn không thể tiếp cận được gói tín dụng này.

Trong bối dịch bệnh hoành hành ngày càng ác liệt hiện nay, nếu cứ để các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý với nhau, thì rất dễ dẫn tới tình trạng “tiền treo cột mỡ” khi mà doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng vì điều kiện quá khó khăn. Nên chăng, rất cần có những “nhịp cầu nối” để đưa doanh nghiệp lại gần với ngân hàng, lại gần với gói hỗ trợ tín dụng. Lúc này, là lúc cần nhất sức mạnh  "cầu nối" của Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển…

Ông Trương Gia Bình cho biết, Hiệp hội VIDA đang tích cực làm việc với các ngân hàng để thúc đẩy việc cấp vốn cho các doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới, hy vọng đây sẽ là một trong minh chứng hiệu quả của cầu nối tháo gỡ khó khăn cho các bên.

Tất nhiên, các ngân hàng cũng nên linh hoạt hơn với điều kiện cho vay vốn, đặc biệt có thể cho doanh nghiệp sử dụng hàng tồn kho hoặc các khoản phải thu để đảm bảo cho các khoản vay.

TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều ngân hàng tại Việt Nam hoạt động chẳng khác nào tiệm cầm đồ, cho vay dựa trên tài sản thế chấp. “Các ngân hàng nên tăng cường cho vay tín chấp dựa trên phương án sản xuất kinh doanh, dòng tiền, khoản phải thu, hàng tồn kho của doanh nghiệp. Điều này đã được thực hiện khá phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Để không "mang tiếng" là tiệm cầm đồ, cho vay tín dụng có sự tín nhiệm và kiểm định thận trọng của ngân hàng lúc này, càng cần thể hiện...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Đừng để “tiền treo cột mỡ”! tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713560660 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713560660 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10