Các đơn vị tham gia Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP TP. Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV mong muốn phát triển mở rộng thị trường...
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA): Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội năm 2023; HPA phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV từ ngày 26 - 29/10/2023 tại Sân vận động huyện Phú Xuyên.
Cơ hội quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm...
Theo ghi nhận của DĐDN Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV có quy mô khoảng 220 gian hàng, gần 1000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của thành phố Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, toàn bộ không gian tổ chức Chương trình được thiết kế đẹp mắt, dàn dựng hoàn toàn trong không gian mở với nhiều mô hình, tiểu cảnh nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, gắn kết du lịch nông nghiệp, mang đậm dấu ấn địa phương để thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động trong thời gian diễn ra.
Không giấu được niềm vui tại Lễ khai mạc tối 26/10, bà Nguyễn Thị Hoàng Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Dậu Trang tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội hồ hởi nói: Công ty phát triển từ cơ sở sản xuất với nghề may truyền thống của quyê hương. Hiện công ty chuyên sản xuất Comple – Veston phân phối đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
“Việc công ty tham gia Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, đồng thời, mong muốn kết nối các đối tác mở rộng thị phần và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu”.- Bà Trang thông tin.
Ở lĩnh vực khác, bà Nguyễn Thị Hương cơ sở sản xuất Nhang Trầm Hương Học tại làng nghề truyền thống thôn Thượng Văn Hoàng, Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu bán buôn đi khắp các tỉnh thành cả nước. Chúng tôi đăng ký tham gia Chương trình nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước sản phẩm truyền thống của huyện có nguồn gốc thiên nhiên và tham gia sàn thương mại điện tử của huyện để quảng bá mở rộng thị trường tăng doanh thu, lợi nhuận”.
Còn theo đại diện cơ sở sản xuất Mây Tre đan Tư Phả tại thôn Trung Lập, Trí Trung, Phú Xuyên, Hà Nội mong muốn, thông qua Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV có thể giới thiệu đến du khách tham quan các sản phẩm được làm từ mây, tre, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống của Phú Xuyên, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Tri ân các bậc Tiền nhân, các vị Tổ nghề...
Nhìn nhận về Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2023” gắn với Lễ hội vinh danh làng nghề huyện Phú xuyên lần thứ IV, ông Quang bộc bạch: Chương trình nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tinh hoa làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện Phú Xuyên, của TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
“Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; tinh hoa làng nghề, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Phú Xuyên trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội đến với nhân dân và du khách” ông Quang nhấn mạnh.
Đặc biệt, đây là dịp UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ hội Vinh danh làng nghề huyện Phú Xuyên lần thứ IV nhằm tri ân các bậc Tiền nhân, các vị Tổ nghề đã có công tạo nghề và truyền nghề cho nhân dân; vinh danh, biểu dương, khen thưởng các tổ chức các nhân, nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề của Huyện.
Đồng quan điểm trên, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Xuyên, Nguyễn Xuân Thanh cho biết: Phú Xuyên là huyện có nhiều nghề và nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống.
Phát huy những làng nghề truyền thống đã có hàng trăm năm lịch sử, huyện đã tập trung phát triển thêm nhiều làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới và đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề, tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước và nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết việc làm cho phần lớn lao động ở địa phương và các vùng lân cận, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Điều đáng nói, Lễ hội vinh danh làng nghề huyện lần thứ IV, Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP, phát triển tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội năm 2023 là một trong những sự kiện quan trọng nhằm hưởng ứng các hoạt động tại Festivanl bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 do Bộ NN&PTNT tổ chức; là niềm vinh dự, nguồn động viên khích lệ kịp thời, ghi nhận sự đóng góp của làng nghề vào sự phát triển kinh tế-xã hội, sự cống hiến của các nghệ nhân, người thợ làm nghề trong việc bảo tồn, phát triển nghề.
“Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn … sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí, tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm mới nhất của các nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia nhà thiết kế trẻ và cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm xuất khẩu; từ đó đưa các thiết kế này vào sản xuất các sản phẩm, hỗ trợ cho các làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường phục vụ người tiêu dùng” ông Thanh đánh giá.
Được biết, trong các ngày diễn ra Chương trình, nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa sẽ được tổ chức như: Lễ khai mạc gắn với Lễ tế Tổ nghề; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống (nặn tò he, mây tre đan, khảm trai…); biểu diễn nghệ thuật di sản truyền thống phi vật thể và các trò chơi dân gian; tổ chức đấu giá sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc biểu tượng Khuê Văn Các, Chùa một cột và Tủ chè mi ni của các nghệ nhân làng nghề; hướng dẫn khách tham quan du lịch các điểm du lịch và một số làng nghề truyền thống của Huyện…
Ngoài ra, cùng thời điểm này cũng diễn ra Chương trình Phát triển tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2023 do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức với quy mô khoảng 90 gian hàng cũng sẽ làm tăng thêm hiệu ứng, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Có thể bạn quan tâm
17:22, 28/09/2023
14:11, 20/09/2023
13:46, 07/09/2023
14:22, 07/07/2023