Tỉnh Hà Tĩnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp với mức tăng bình quân 8 tháng trên 31%.
Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã rất quyết liệt trọng chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế. Theo kết quả khảo sát của VCCI, chỉ số PCI của Hà Tĩnh liên tục tăng trong những năm gần đây, cụ thể, năm 2017 xếp thứ 33 và năm 2018 xếp thứ 23/63 tỉnh, thành.
Theo đó, nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng rõ nét. Năm 2017 tăng 10,71%, năm 2018 là 20,8% và trong 8 tháng năm 2019, Hà Tĩnh đã đạt mức tăng trưởng gần 12,8%, nằm trong tốp đầu cả nước.
Công nghiệp là lực chính thúc đẩy kinh tế
Hiện nay, kinh tế Hà Tĩnh không còn dựa vào vốn đầu tư của giai đoạn trước mà chủ yếu do sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp khi dần trở thành động lực chính thúc đẩy kinh tế.
Cũng trong 8 tháng, tổng thu ngân sách tại Hà Tĩnh đạt trên 9.000 tỷ đồng, tăng 15,24% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 2 doanh nghiệp đầu tàu ở Khu Kinh tế Vũng Áng (KKT) gồm Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đã đóng nộp trên 4.500 tỷ đồng vào ngân sách.
Tại các KKT, Khu Công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả tỉnh. Được biết, chỉ số tăng trưởng ngành công nghiệp với mức tăng bình quân 8 tháng trên 31%.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, KKT Vũng Áng đang hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Đây được xem là điểm sáng thu hút đầu tư trên cả nước với các dự án đầu tư nước ngoài. Điển hình Formosa là dự án “lõi” tạo động lực thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, thương mại và các ngành nghề khác.
Có thể bạn quan tâm
15:06, 29/08/2019
10:24, 19/08/2019
12:04, 12/08/2019
16:45, 25/07/2019
Được biết, KKT Vũng Áng không chỉ là đầu tàu phát triển sản xuất, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn kéo theo sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mại với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 9,46% so với cùng kỳ 2018.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh, hiện nay, Hà Tĩnh có thêm nhiều doanh nghiệp cũng đã đi vào sản xuất hiệu quả. Trong đó, nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) chỉ sau hơn 1 tháng đi vào vận hành đã đạt 100% công suất thiết kế, với doanh thu hơn 25 tỷ đồng; Nhà máy Chế biến gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt (Cụm Công nghiệp Vũ Quang) đi vào sản xuất những lô hàng đầu tiên… góp phần tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp tại Hà Tĩnh.
Không chủ quan trong chỉ đạo điều hành
Với ngành nông nghiệp, năm 2019 gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh triền miên. Tuy vậy, ngành cũng đạt được những kết quả rất khả quan với tổng giá trị sản xuất đạt trên 10.238 tỷ đồng (tăng 8,72%); tổng sản lượng lương thực đạt trên 37,24 vạn tấn (tăng 6,88 vạn tấn so với cùng kỳ).
Không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, các ngành, địa phương, ngoài nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được giao, cần nỗ lực cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019. Trong đó, cần bám sát các nhóm nhiệm vụ giải pháp tại nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2019. Nhiệm vụ không chỉ của năm 2019 mà còn cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã chỉ đạo các ngành hoàn thành và đảm bảo chất lượng điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Rà soát, đánh giá toàn diện các KKT, đặc biệt là KKT Vũng Áng và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án, nhất là dự án chế biến, chế tạo, logistics, dịch vụ cảng biển... nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển.
Với tốc độ tăng trưởng khá như hiện nay, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 35%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 20%.