Hải Phòng: Đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đột phá phát triển

HẢI NGÂN 10/02/2024 02:48

Việc đẩy mạnh liên kết vùng được cho là chìa khoá để TP Hải Phòng mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; từ đó tạo động lực phát triển mới.

>>>Chính thức hợp long cây cầu kết nối liên vùng Hải Phòng – Quảng Ninh

>>>Hải Phòng sẽ có thêm điểm neo đậu tạm

Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (Ảnh: Gia Thoả)

Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 Hội đồng kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (Ảnh: Gia Thoả)

Khơi thông các nguồn lực

TP Hải Phòng được biết đến là địa phương hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không… Cùng với đó, QL5, QL10, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng quốc tế Lạch Huyện… ngày càng trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, hiện 5 hành lang kinh tế tạo bộ khung phát triển cho các tỉnh phía Bắc đều đi qua hoặc kết nối với TP Hải Phòng. Đó là Hành lang Hà Nội - Hải Phòng theo Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang kinh tế nội thành Hà Hội - Nội Bài - Hạ Long; Hành lang kinh tế Hà Nội - Việt Trì qua TP Vĩnh Yên theo đường cao tốc mới; Hành lang kinh tế ven biển (Móng Cái - Quảng Ninh - Hải Phòng - Kim Sơm - Ninh Bình); Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn theo tuyến QL1. Như vậy, các hành lang kinh tế cuối cùng sẽ đổ về TP Hải Phòng để tỏa đi khắp thế giới.

Phát huy lợi thế của mình, TP Hải Phòng đã xác định một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển bứt phá, tạo động lực tăng trưởng mới là đẩy mạnh liên kết vùng. Đặc biệt, địa phương này đã tham gia vào Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông được VCCI và 4 địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết vào tháng 7/2022. Sau hơn 1 năm triển khai, hoạt động kết nối đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho các địa phương, trong đó có TP Hải Phòng.

Theo quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã xác định, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn

Theo quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã xác định, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn

Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã tận dụng được tiềm năng, thế mạnh riêng có, đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn. Thu hút đầu tư FDI và kết nối giao thông tại 4 địa phương cũng được thúc đẩy tốt hơn.

“Dấu ấn nổi bật, là thông qua các hoạt động liên kết, hỗ trợ này, TP Hải Phòng cùng với Quảng Ninh đã được UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh gần đây đã triển khai một số công trình kết nối hạ tầng giao thông. Đối với Hải Dương, Hưng Yên, chúng tôi cũng rất tích cực trong việc kết nối giữa 2 địa phương này”, ông Tùng cho biết thêm.

Còn theo ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của DEEP C là nhờ tận dụng được lợi thế cảng biển nước sâu tại Lạch Huyện và hạ tầng giao thông liên kết vùng ngày càng hoàn thiện. Việc TP Hải Phòng tham gia vào kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông thực sự tạo lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Đến nay, DEEP C mở rộng, vận hành 3 KCN ở Hải Phòng, 2 KCN tại Quảng Ninh, với tổng quỹ đất hơn 3.400 ha, thu hút hơn 160 dự án đầu tư thứ cấp.

Chủ động để bứt phá

Nghị quyết số 45- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đều xác định vai trò của TP Hải Phòng trong thúc đẩy mạnh mẽ khu vực tam giác động lực phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cầu Bạch Đằng kết nối TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh

Cầu Bạch Đằng kết nối TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh

Đặc biệt, theo quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt đã xác định, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước. Với tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển -logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế.

Việc xác định TP Hải Phòng là cực tăng trưởng quan trọng đã đặt ra yêu cầu đối với TP Hải Phòng trong việc chủ động nắm bắt cơ hội, tăng cường liên kết vùng với các hành lang kinh tế quan trọng để phát huy lợi thế “cửa chính ra biển” đối với cả miền Bắc.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc Thủ tướng phê duyệt quy hoạch trên nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho Hải Phòng phát triển. Do vậy, TP Hải Phòng cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn... Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới như: hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…; mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Được biết, để phát huy lợi thế hơn nữa từ liên kết vùng, TP Hải Phòng đang nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập KKT thứ 2 và Khu thương mại tự do tại khu vực phía Nam thành phố.

Theo ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, đơn vị đang rà soát, đề xuất khu vực phát triển KKT mới tại khu vực phía Nam Hải Phòng. Tại đây sẽ có các công trình hạ tầng quan trọng như sân bay Tiên Lãng; cảng Nam Đồ Sơn; hệ thống cảng dọc sông Văn Úc; trung tâm logistics tại huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng; các khu công nghiệp theo quy hoạch... KKT mới sẽ kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng bởi đường cao tốc ven biển, QL 37. Qua đó, tạo động lực, không gian phát triển mới không chỉ riêng TP Hải Phòng mà còn đối với cả các địa phương trong vùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức hợp long cây cầu kết nối liên vùng Hải Phòng – Quảng Ninh

    Chính thức hợp long cây cầu kết nối liên vùng Hải Phòng – Quảng Ninh

    00:30, 01/02/2024

  • Hải Phòng sẽ có thêm điểm neo đậu tạm

    Hải Phòng sẽ có thêm điểm neo đậu tạm

    00:19, 31/01/2024

  • Hải Phòng: “Thủ phủ” đào cảnh rộn ràng vào Tết

    Hải Phòng: “Thủ phủ” đào cảnh rộn ràng vào Tết

    03:15, 26/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đột phá phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO