Hải Phòng tính thay thế chợ Sắt bằng khách sạn 5 sao

Lan Vũ 19/11/2019 01:02

Sau hơn 1 thập kỷ tồn tại, chợ Sắt – biểu tượng thương mại một thời của TP Hải Phòng sẽ nhường chỗ cho tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao.

Ngày nay, chợ Sắt đã gần như mất tên trên bản đồ thương mại của Hải Phòng. Thế hệ trẻ không mấy người biết về quá khứ “oai hùng” của chợ Sắt. Chợ dường như hoạt động không hiệu quả, tồn tại như một “phế tích” với các công trình xuống cấp nhìn nhếch nhác, ảm đảm như một “lâu đài hoang” giữa trung tâm thành phố.

“Xóa sổ” chợ Sắt

TP Hải Phòng đang lên phương án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao tại khu vực này. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành, đơn vị nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Trung tâm thương mại chợ Sắt.

Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng hàng nghìn m2 giờ hoang phế

Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng hàng nghìn m2 giờ hoang phế

Quan điểm của thành phố, cần phải thu hút các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm để thực hiện Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để tạo điểm nhấn kiến trúc cho dải vườn hoa trung tâm thành phố, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong khu vực.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng giao Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu Tư, Thương mại, Du lịch thành phố chủ trì phối hợp với các Sở: Tài Chính, KHĐT, Xây dựng, TNMT kiểm tra, dự thảo văn bản của Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương thoái vốn Nhà nước trong liên doanh, xử lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước và chủ trương đầu tư dự án mới tại khu vực chợ Sắt. Đồng thời, đề xuất phương án, thủ tục để đầu tư dự án.

Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở KHĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu cho UBND Thành phố về việc thoái vốn Nhà nước trong Liên doanh; đề xuất phương án xử lý tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong Trung tâm thương mại chợ Sắt, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2019.

Giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng chủ trì cùng UBND quận Hồng Bàng và Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý đối với trên 425 trường hợp đang ký hợp đồng kinh doanh tại Trung tâm thương mại chợ Sắt.

Biểu tượng một thời

Chợ Sắt Hải Phòng vốn nổi tiếng đến mức có câu nói “chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng” hay “cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có”.

Chợ Sắt Hải Phòng

Chợ Sắt Hải Phòng

Chợ này được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được gọi là Chợ Lớn. Nhưng do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi (ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung) lại có lợi thế bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.

Sang thời bao cấp, chợ Sắt lần nữa được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985). Tháp nước bị phá. Bù lại, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thuỷ thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình - tất cả đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc.

Đã từng có thời kỳ, ai đến Hải Phòng (người Hà Nội, người Sài Gòn...) cũng muốn (hoặc được mời) đi chợ Sắt, để trầm trồ, để ngắm nghía, để tiếc rẻ vì... thiếu tiền! Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có "giấy chứng nhận" về sự giàu có.

Đến tháng 5/1992, chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ 5 tầng, trở thành công trình liên doanh đầu tiên của Hải Phòng với nước ngoài (Quảng Tây, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 7 triệu USD.

Một nửa chợ Sắt nhanh chóng hoàn thành vào năm 1993. Tuy nhiên, nỗi thất vọng đến rất nhanh. Dân tình, cả những người gốc chợ Sắt, cũng chẳng mặn mà dọn về chợ mới cửa kính, tường gương! Cả ngày và đêm, lúc nào chợ Sắt cũng vắng tanh như… chợ chiều!. Các nhà đầu tư chán nản đã bỏ một nửa chợ Sắt cho đám cỏ dại, khiến cho một nửa còn lại bị người Hải Phòng gọi đùa vui là “ Chiếc bánh ga tô ăn dở!”.

Chợ Sắt Hải Phòng nổi danh một thời giờ chỉ còn một vài hộ kinh doanh đồ điện tử ngoài mặt tiền chợ còn khá đông khách ghé qua. Phía trong chợ, những quầy hàng bán buôn, bán lẻ chỉ lác đác vài khách ngó nghiêng. Cầu thang lên tầng 2 của chợ với chiếc băng chuyền máy (có lẽ là hiện đại nhất thời nó xuất hiện tại đây) thì nay nằm im phủ bụi, han gỉ. Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng mênh mông không một bóng người. Tiểu thương chợ Sắt giờ đây chỉ ngồi ngao ngán mơ “bao giờ cho đến… ngày xưa”.

Đã từng có người than phiền rằng: Lãnh đạo Hải Phòng chắc đã bỏ quên nơi đây. Khôi phục lại “niềm tự hào” này hay xóa sổ nó? Cách nào cũng tốt, miễn là đừng để chợ Sắt tồn tại như một “phế tích”. Đến lúc này thì chợ Sắt chết thật!. Điều này sẽ khiến cho không ít người yêu Hải Phòng cảm thấy tiếc nuối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng tính thay thế chợ Sắt bằng khách sạn 5 sao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO