Đến nay, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) đã và đang hoạt động có lãi trở lại sau nhiều năm tình hình tài chính đáng báo động.
HVN sẽ thành công tái cấu trúc toàn diện nếu thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát hành cổ phiếu và thoái vốn tại các công ty con.
Trong kỳ họp ĐHĐCĐ mới đây, Ban lãnh đạo HVN tự tin cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm năm 2025 của hãng rất tích cực. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng của Công ty mẹ ước đạt trên 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất của HVN cũng trên 5.000 tỷ đồng. Đây là một dấu mốc quan trọng sau giai đoạn khó khăn vì đại dịch và khủng hoảng ngành hàng không.
Trước đó, trong năm 2024, HVN ghi nhận khoản lãi sau thuế gần 8.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của doanh nghiệp này, đồng thời lần đầu tiên HVN có lãi sau 4 năm thua lỗ liên tiếp do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Kết thúc năm 2024, mặc dù kết quả kinh doanh của HVN đã cải thiện khi doanh nghiệp bắt đầu có lãi trở lại, nhưng tình hình tài chính vẫn ở mức đáng báo động. Mặc dù nợ phải trả của HVN đã giảm, nhưng vốn chủ sở hữu vẫn âm hơn 9.344 tỷ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của HVN phụ thuộc lớn vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng thương mại, đối tác, nhà cung cấp và các đơn vị cho thuê.
Tính đến hết quý 1/2025, dù tình hình tài chính và dòng tiền của HVN đã được cải thiện, HVN tiếp tục có lãi nhưng tổng nợ của HVN vẫn hơn 65.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn âm vốn chủ sở hữu hơn 5,8 nghìn tỷ đồng. Do vậy, khả năng hoạt động liên tục của HVN vẫn được các chuyên gia kiểm toán lưu ý.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc HVN, cho biết lợi nhuận của hãng tiếp tục được duy trì nhờ vào chiến lược tái cơ cấu, đặc biệt là việc phát triển các dịch vụ bổ trợ như chọn chỗ ngồi, wifi, hành lý ký gửi. Những dịch vụ này đang đóng góp ngày càng lớn vào tổng doanh thu và được coi là hướng đi chiến lược để đa dạng hóa nguồn thu của HVN.
Theo ông Hà, hơn 65% chi phí của HVN bằng ngoại tệ. Để tái cơ cấu mảng này, HVN đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa tỷ giá và chuyển một phần sang vay bằng đồng Việt Nam. Hãng cũng theo sát các diễn biến thế giới để kịp thời điều chỉnh, hạn chế phát sinh và giảm chi phí xuống mức tối thiểu. Do đó, kết quả kinh doanh của HVN đã từng bước được cải thiện…
“Một trong chiến lược đáng lưu ý của HVN trong bối cảnh hiện nay đó là tái cơ cấu để cạnh tranh tốt hơn. Đó là lần đầu tiên HVN triển khai dự án mua 50 máy bay thân hẹp. HVN đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác, và dự kiến tiếp nhận những chiếc máy bay đầu tiên trong giai đoạn 2030–2032”, ông Hà cho biết.
Việc mua máy bay mới khẳng định HVN không ngại cạnh tranh. Đây là động lực để tái thiết quy trình, hiện đại hóa đội tàu và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Không chỉ trong nước, HVN đang cạnh tranh trực tiếp với hơn 50 hãng hàng không quốc tế, trong đó có các “ông lớn” như ANA (Nhật Bản), Korean Air (Hàn Quốc), Singapore Airlines.
Nằm trong chiến lược tái cơ cấu, HVN đã và đang tìm cách mở rộng hoạt động ra ngoài lĩnh vực vận tải hành khách truyền thống. HVN đã lên kế hoạch đầu tư vào hệ thống logistics hiện đại, với các trung tâm đặt tại sân bay Nội Bài và Long Thành. Đây là một phần trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ, tích hợp công nghệ số và khai thác dữ liệu để nâng cao hơn nữa giá trị chuỗi cung ứng.
Cùng chiến lược tái cơ cấu đã triển khai, kế hoạch tái cấu trúc toàn diện nhất là mảng tài chính đã và đang được HVN đẩy mạnh. Trong giai đoạn 1, HVN sẽ phát hành 900 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về tối đa 9.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ được dùng để trả nợ nhà cung cấp và một phần nợ vay tái cấp vốn; 3.000 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để thanh toán các khoản vay ngắn hạn và dài hạn đến hạn.
Đây là một phần trong đề án tái cơ cấu tổng thể của HVN, được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 110/NQ-CP. Theo đó, SCIC sẽ thay mặt Chính phủ thực hiện quyền mua cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước trong đợt phát hành này. Tính đến cuối tháng 5/2025, Nhà nước là cổ đông lớn nhất của HVN với tỷ lệ nắm giữ 86,34% vốn điều lệ, trong khi cổ đông chiến lược nước ngoài ANA Holdings INC hiện nắm giữ 5,62%.
Đối với giai đoạn 2, HVN sẽ phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu nghiên cứu và triển khai từ năm 2026.
Về kế hoạch thoái vốn của HVN, đây là một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu vốn tại các công ty con (bao gồm APLACO, Pacific Airlines, TCS, Skypec,...) đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đáng chú ý, HVN đặt kế hoạch hoàn tất thoái 100% vốn tại TCS trong năm 2025. Việc thoái vốn tại Pacific Airlines vẫn đang được triển khai, với các biện pháp hỗ trợ tiếp tục được duy trì nhằm đảm bảo hoạt động thương mại của hãng trong quá trình thoái vốn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu HVN thực hiện thành công 2 đợt chào bán cổ phiếu nói trên, đồng thời thoái vốn tại các công ty con theo đúng kế hoạch, thì HVN sẽ sớm thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu, tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trở lại.
9.000 tỷ đồng là số tiền mà HVN dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu giai đoạn 1.