Kinh doanh đa cấp chỉ phù hợp ở những nền kinh tế phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao.
>>Ma trận gọi vốn đa cấp
Kinh doanh bán hàng đa cấp sau một thời gian lắng xuống, nay lại trở nên “nóng” trở lại khi một loạt vấn đề liên được giới truyền thông, mạng xã hội phanh phui, đưa lên mặt báo, khi mới đây có tình trạng nhiều sinh viên tìm đến Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink Group) xin việc nhưng bị dẫn dắt đầu tư đa cấp rồi “tiền mất tật mang”.
Khách quan mà nói, hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2000. Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 40/2018/ NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1, Nghị định 18/2023/ NĐ-CP. Như vậy, loại hình ngành nghề kinh doanh bán hàng theo phương thức đa cấp được pháp luật quy định và điều chỉnh. Công ty bán hàng đa cấp nếu được thực hiện đúng theo “bản chất” luật định thì vẫn được pháp luật bảo vệ và không phải lừa đảo.
Thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho thấy, tính đến tháng 3/2023, nước ta chỉ có 20 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Bên cạnh đó, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp vẫn liên tục tăng trưởng, có xu hướng tăng với tỷ lệ tăng trưởng khá cao.
Cụ thể, năm 2020 đạt hơn 15.438 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2019. Năm 2021, doanh thu ngành đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng 24% so với năm 2020. Như vậy, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp trong 5 năm không có năm nào giảm mà đóng góp của ngành vào nguồn thuế nộp ngân sách nhà nước cũng tăng mạnh, năm 2021, số thuế nộp ngân sách thống kê đạt là 2.819 tỷ đồng, tăng 35,1% so với năm 2020.
Dĩ nhiên, hoạt động này có lợi, nhưng nó phải đúng theo mô hình sau: Mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm là một kênh phân phối sản phẩm. Tức là vừa sử dụng, vừa kiểm nghiệm, vừa tiếp thị, vừa bán hàng, vừa tạo chân rết mới. Sản phẩm đó phải thực sự chất lượng và giá cả phù hợp với giá trị nó đem lại. Chi phí bán hàng và tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp là chi phí hoa hồng cho người bán tham gia các cấp bán hàng. Đó là mô hình kinh doanh đa cấp cổ điển rất phổ biến ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam nó không còn đơn giản như thế.
Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng một số đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp.
Thường thấy, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính không thể bán các mặt hàng tiêu dùng thông thường đã có mặt trên thị trường vì rất dễ bị so sánh giá cả, chất lượng. Họ thường bán các sản phẩm mà người dùng không kiểm tra được giá trị cũng như hiệu quả sử dụng, ví dụ thực phẩm chức năng, các máy móc hồng ngoại, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Về hình thức, hoạt động bán hàng đa cấp thông qua mua cổ phần, góp vốn, mua phân quyền kinh doanh. Nhưng hiện nay có thêm nhiều hình thức khác như đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án… Gần đây lại phát triển thêm các sàn thương mại điện tử, khóa học online. Cách thức hoạt động là thuê địa điểm khách sạn, kêu gọi người tham gia hoặc họp online, thậm chí lập nhóm kín để hoạt động.
>>Đề nghị truy tố “trùm” đa cấp Nguyễn Thế Kiên
>>Đầu tư đa cấp bất động sản: “Nghìn lẻ một” bẫy lừa
Từ thực tế câu chuyện nhiều sinh viên bị lừa vào hoạt động đa cấp dẫn đến “tiền mất tật mang” nói trên và những biến tướng của nó ngoài thị trường đặt ra cho chúng ta vấn đề: Tại sao người Việt dễ bị các mô hình đa cấp lừa đảo, có phải xuất phát từ nguyên nhân tham tiền? Và hệ thống pháp luật liên quan của chúng ta còn “lỗ hổng” nên bị lợi dụng?
Tất nhiên điều đó đúng nhưng chưa đủ, tiền thì ai chẳng tham, làm giàu ai chẳng thích. Người Việt bị lừa nhiều vì các mô hình đào tạo nghiêm túc thì học phí rất cao, trong khi mô hình đào tạo free thì đều hướng tới làm đại lý đa cấp. Đa số những người bị lôi kéo vào mô hình đa cấp lúc đầu đều cảnh giác cao độ, họ tặc lưỡi tham gia các buổi hội thảo, đào tạo để thử cho biết và cuối cùng bị “tẩy não”.
Một điểm chung chúng ta thấy về hoạt động đa cấp biến tướng nữa đó là, những chuyên gia đa cấp luôn “phông bạt” từ hình thức bên ngoài đến lời nói bên trong. Những người đào tạo đa cấp giờ đã quá dày “kinh nghiệm”, họ luôn tự hào đang chia sẻ thành công và cho các bạn cái “cần câu” không cho con cá. Chính vì cho các bạn cái “cần câu” nhưng không dạy các bạn cách câu cá, mà chỉ dạy các bạn kỹ năng lừa người khác mua cái “cần câu” như bạn đang có. Cá thì mãi mãi không có đâu, vì thực chất bạn đâu được học “câu cá”, chỉ học “bán cần” và “hít cần” đến mê muội mà thôi.
Chuyên gia tâm lý Mai Đình Quyết từng đánh giá: “Kiểu kinh doanh này cũng góp phần khơi dậy sự “độc ác” trong mỗi con người. Vì khi đã lỡ đem tiền đưa vào kinh doanh, trước nguy cơ mất vốn, người ta sẵn sàng nhắm mắt dụ dỗ tiếp những người thân của mình trở thành nạn nhân”.
Nói vậy để thấy, môi trường kinh doanh đa cấp hiện nay đang diễn biến “muôn hình vạn trạng” mà có thể gọi là “ma trận”. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ thông qua môi trường giao tiếp không biên giới trên không gian mạng ngoài khuôn khổ quản lý của Nghị định 18.
Hy vọng, với những nỗ lực từ Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý liên quan, thị trường bán hàng đa cấp sẽ được thiết lập trật tự, giảm thiểu các hoạt động trái pháp luật, để người dân yên tâm hơn trong các hoạt động đầu tư của mình.
Cuối cùng, xin dẫn lời cảnh báo của TS Nguyễn Văn Trung đến từ Đại học Harvard rằng: “Kinh doanh đa cấp chỉ phù hợp ở những nền kinh tế phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao. Còn ở các nước phát triển hay chưa phát triển, nó sẽ gây hại rất lớn cho nền kinh tế và cho xã hội với rất nhiều nguy hiểm”.
Có thể bạn quan tâm
17:44, 25/04/2023
15:49, 04/04/2023
11:00, 29/09/2022
00:06, 20/09/2022
00:02, 18/09/2022
03:50, 09/07/2022
08:06, 21/05/2022