Mặc dù đạt được thành công trong chống dịch COVID-19 và giữ mức tăng trưởng ấn tượng nhưng khủng hoảng hiện nay vẫn là cú sốc lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng dự kiến ở mức 2,8% cho năm 2020, thấp hơn khoảng 4,2 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng gần đây. Mặc dù giảm như vậy là ít so với hầu hết các quốc gia nhưng vẫn là mức giảm đáng kể cho một nền kinh tế vốn quen với tăng trưởng cao và hầu như đạt toàn dụng lao động trong 25 năm qua.
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thứ giới (WB), thị trường lao động đã bị ảnh hưởng khi nhiều doanh nghiệp đã phải giảm lương và giờ làm. Các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình cũng phải cắt giảm hoạt động. Những diễn biến đó dẫn đến thất nghiệp tăng lên và khiến cho một số người lao động phải rời bỏ lực lượng lao động.
Mặc dù tổng tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã quay lại mức gần như trước khủng hoảng sau khi tăng tạm thời trong quý hai, nhưng điều này chủ yếu thể hiện nam giới có cơ hội quay lại làm việc.
“Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới tiếp tục tăng đến 3,9% vào cuối quý ba, dẫn đến chênh lệch ở mức 1,4 điểm phần trăm giữa tỷ lệ thất nghiệp của nam và nữ. Thất nghiệp tăng lên hầu như chỉ là hiện tương ở đô thị. Ngay cả lúc đỉnh điểm tác động của đại dịch vào quý hai năm 2020, những người muốn làm việc ở nông thôn vẫn có thể tìm được việc làm”, Báo cáo của WB nêu rõ.
Cùng với đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm đáng kể và chưa thể hồi phục đầy đủ như giai đoạn trước đại dịch, trong đó nữ giới quay lại lực lượng lao động sớm hơn so với nam giới. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 4 điểm phần trăm từ quý bốn năm 2019 đến quý hai năm 2020, và phần lớn mức giảm diễn ra trong quý hai.
Mặc dù tỷ lệ tham gia đã được phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với các mức trước đại diện trong quý ba. Tỷ lệ tham gia của lao động nữ giảm trên 5 điểm phần trăm so với 3,5 điểm phần trăm của nam giới, nhưng nữ giới quay lại lực lượng lao động sớm hơn, với mức giảm chỉ 1 điểm phần trăm so với tỷ lệ tham gia trước đại dịch, so với mức giảm 2 điểm phần trăm của nam giới.
Khủng hoảng lần này cũng để lại tác động đến việc làm với sự khác biệt theo ngành. Nếu nói hầu hết các ngành đều bị mất việc làm trong giai đoạn từ quý một đến quý hai, thì tác động lớn nhất lại rơi vào các ngành bán buôn và bán lẻ, là ngành cung ứng lượng việc làm lớn thứ hai. Tuy ngành này chỉ đóng góp một phần năm lượng việc làm ở đô thị, nhưng chiếm đến trên một phần ba số việc làm bị mất. Số lượng việc làm bị mất nhiều cũng rơi vào các ngành lưu trú, dịch vụ tài chính, giáo dục, vận tải và bất động sản.
Ngành nông nghiệp cũng bị mất nhiều việc làm, nhưng chỉ là sự khuếch đại của xu hướng vốn đã có từ trước đại dịch. Việc làm trong ngành nông nghiệp vốn đã bị giảm bình quân 2% mỗi quý trong những năm qua.
“Trường hợp ngoại lệ duy nhất chỉ diễn ra ở các ngành dịch vụ chuyên môn cao, và ở ngành chế biến chế tạo, là ngành có việc làm lớn nhất ở khu vực đô thị. Hai ngành này có số lượng việc làm tăng lên từ quý cuối năm 2019 đến quý hai năm 2020”, WB nhận định.
Cùng với sụt giảm việc làm, mức lương thực tế bình quân cũng giảm mạnh do khủng hoảng. Lương thực tế bình quân giảm 10,2% trong giai đoạn từ quý một đến quý hai năm 2020 và vẫn đi ngang trong quý ba. Mức lương giảm xuống xóa đi hầu hết thành quả tăng lương từ quý bốn năm 2019, phản ánh sự đình trệ về các hoạt động kinh tế, thể hiện tác động liên tiếp của cú sốc hiện nay đến thị trường lao động.
Khủng hoảng lần này cũng tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các mức khác nhau. Nếu các biện pháp cách ly đều gây tác động tiêu cực đến hầu hết các hộ gia đình, thì khảo sát hộ gia đình tần suất cao do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào tháng 8 lại chỉ ra tác động ở mức khác nhau trong dài hạn.
Cụ thể, gần 1/3 các hộ gia đình cho biết thu nhập vẫn bị giảm trong tháng 7/8 so với tháng trước.
Hầu hết các hộ gia đình bị giảm thu nhập đều nói thu nhập của họ bị giảm chưa đến một nửa. Nhưng khoảng 2,5% các hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 50% trở lên. Những người thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất trong phân phối thu nhập cho biết họ mất thu nhập nhiều hơn so với những người thuộc nhóm 60% có thu nhập cao nhất.
Phần lớn những người có cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình cho biết thu nhập hộ gia đình của họ bị giảm, trong khi rất ít người phỏng vấn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc cho nhà nước nói là họ bị giảm thu nhập.
Trong sáu khu vực ở Việt Nam, thu nhập bị giảm từ khoảng 29% tại khu vực Trung du và Miền núi phía bắc đến 38% ở khu vực Bắc bộ và Duyên hải miền trung. Tác động giảm thu nhập diễn ra tương đối đồng đều giữa các nhóm đô thị và nông thôn, và giữa các nhóm ở đỉnh và đáy của phân bố thu nhập.
Nhìn chung, các doanh nghiệp cũng đã khôi phục sau đợt cách ly ban đầu khi được mở cửa nhiều hơn và tổn thất về doanh số giảm xuống. Cụ thể, khoảng 94% doanh nghiệp cho biết đã mở cửa lại vào tháng 9-10/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp ở điểm trung vị cho biết tác động đến giảm giờ làm, giảm nhu cầu và gián đoạn nguồn cung đầu vào đã đỡ hơn. Nhưng doanh số vẫn bị suy giảm nhiều (36% so với năm trước), và tỷ lệ nhân sự làm việc ròng chưa được khôi phục, vẫn thấp hơn nhiều so với tháng 1. Đồng thời, tốc độ khôi phục của các loại hình doanh nghiệp diễn ra không đồng đều, cụ thể, mức giảm doanh số bình quân diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp nhỏ nhiều hơn các doanh nghiệp lớn.
Hiện tại, sức cầu yếu có lẽ là kênh tác động quan trọng nhất, với áp lực cạnh tranh khác nhau giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào đầu vào nước ngoài dễ bị ảnh hưởng do gián đoạn chuỗi cung ứng hơn. Thanh khoản đã được cải thiện, nhưng các doanh nghiệp vẫn có nhiều rủi ro về nợ đọng.
Chính vì vậy, khủng hoảng COVID-19 tạo ra sự bất bình đẳng qua ảnh hưởng khác nhau đến người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp. Do đó, WB khuyến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng dễ tổn thương mới nổi lên để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trong trung và dài hạn.
Trước đó, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.
Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid -19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine Covid -19 chứng minh được tính hiệu quả. Mặc dù vậy, quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch cũng như những tác động kinh tế của nó khó có thể dự báo, và do đó không thể bỏ qua một kịch bản tăng trưởng thấp hơn hơn. Báo cáo nhấn mạnh rằng tại Việt Nam vẫn còn tiềm tàng những rủi ro tài khóa, tài chính, và xã hội, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa.
“Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid -19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, và nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên” , bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.
Báo cáo cũng bàn chi tiết về nhóm chính sách có thể giúp Việt Nam ổn định nền kinh tế, giảm nhu cầu đầu tư trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng sắp tới, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về khí hậu trong cả ngắn hạn và dài hạn. Báo cáo cho rằng Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý các nguồn tài nguyên và rủi ro khí hậu. Rốt cuộc, mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ để làm ra thêm của cải mà còn là không phá hủy những gì đang có.
Với tầm nhìn như vậy, WB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cần cân nhắc ba hướng hành động.
Một là, Chính phủ có thể cân nhắc chủ động thỏa thuận với các quốc gia “an toàn” để thống nhất về cơ chế đi lại chung và/hoặc cân nhắc kế hoạch cho phép và thu hút khách du lịch cao cấp có thể chi trả cho các chuyến bay thuê bao/thương mại đắt tiền và toàn bộ chi phí liên quan đến kiểm dịch và/hoặc biện pháp y tế dự phòng sau khi nhập cảnh Việt Nam.
Hai là, tập trung vào chính sách tài khóa, là công cụ truyền thống để kích thích khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Đối với Việt Nam, chính sách đó không nhất thiết có nghĩa là phải chi nhiều hơn mà nên đẩy nhanh tốc độ triển khai ngân sách đầu tư đã phê duyệt.
Ba là, hỗ trợ khu vực tư nhân phục hồi. Tuy nhiên, WB cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên thực hiện theo cách có lựa chọn chứ không nên dùng nguồn lực để hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp. Như đã nêu trên, không phải doanh nghiệp nào cũng bị khủng hoảng COVID-19 gây ảnh hưởng như nhau.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 24/12/2020
11:00, 23/12/2020
05:10, 22/12/2020
09:11, 22/12/2020