FPT Online tiếp tục thông báo lợi nhuận quý III/2020 đi lùi do không kiểm soát tốt giá vốn.
CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online, UPCoM: FOC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, với doanh thu thuần giảm nhẹ hơn 9% về mức 142 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn lại tăng vọt 47% lên tới 57 tỷ đồng.
Do đó lợi nhuận gộp lao dốc 27% về còn 85 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, FPT Online ghi nhận gần 44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 28% so cùng kỳ. Kết quả này kéo theo lợi nhuận 9 tháng cũng giảm 25% về mức 127 tỷ đồng.
Do không có phần thuyết minh,nên chưa thể xác nhận những thay đổi trong chính sách kế toán của FPT Online dẫn đến hiện tượng này. Biên lợi nhuận gộp trong quý của công ty từ 75% giảm còn 60%.
Chi phí bán hàng tăng 85% lên 23,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, FPT Online đạt doanh thu 364 tỷ đồng, giảm 15%; lãi 128 tỷ đồng, giảm 25%.
Theo thống kê, lợi nhuận 3 quý đầu năm của FPT Online đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Nguyên nhân chính được cho biết đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lĩnh vực kinh doanh của FPT Online là cung cấp các giải pháp marketing tổng thể thông qua hợp tác với các publisher lớn nhất như báo điện tử (vnexpress.net, ngoisao.net, ione.vnexpress.net).
Bên cạnh đó, một phần nguồn thu của công ty đến từ việc tổ chức các sự kiện, gồm giải marathon, diễn đàn kinh tế tư nhân, diễn đàn kinh tế Việt Nam...
Cơ cấu tài sản của công ty không có nhiều biến động, đáng chú ý nhất là khoản tiền mặt và tiền gửi lên tới 907 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 86%. Riêng doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 13%.
Trước đó, trong 6 tháng 2020, lợi nhuận của FPT Online cũng giảm 29% về còn 85 tỷ đồng. Nguyên nhân được công ty đưa ra là do ảnh hưởng của tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu của FPT Online đạt hơn 118 tỷ đồng, giảm 24%. Dù doanh thu từ hoạt động tài chính ghi nhận tăng hơn 60%, đạt hơn 17 tỷ đồng nhưng chừng đó là không đủ để "cứu" lợi nhuận. Hết quý II, FOC báo lãi sau thuế 46,8 tỷ đồng, giảm gần 32% so với kết quả thu được ở cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu tài sản, tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của FOC đã giảm nhẹ ở cả tài sản ngắn hạn và dài hạn, cuối kỳ ghi nhận hơn 995 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của FOC đã giảm hơn 12% so với đầu năm 2020. Báo cáo tài chính cho thấy FOC không ghi nhận bất kỳ khoản nợ dài hạn nào.
Trong 3 năm gần đây (2017 – 2019), hoạt động kinh doanh của FPT Online có dấu hiệu chững lại khi lợi nhuận chỉ xoay quanh mốc 250 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục gây khó khăn khiến lợi nhuận trong nửa đầu năm nay của doanh nghiệp sụt giảm.
Doanh số sụt giảm khiến FPT Online phải cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí nhân công. Nhưng thực tế, FPT Online vẫn rất “rủng rỉnh” khi sở hữu lượng tiền khổng lồ.
Tại thời điểm 31/3/2020, FPT Online có hơn 420 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Ngoài ra, công ty còn sở hữu 441 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Như vậy, riêng tiền và các khoản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền của FPT Online đã lên đến 861 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần vốn góp chủ sở hữu.
Điều đó có nghĩa "của để dành" của FPT Online là rất lớn. Công ty có nhiều dư địa để đối phó với đại dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm