Kinh tế địa phương

Long An: Tự hào vùng đất “Trung dũng, kiên cường”

Thùy Linh 30/04/2025 01:22

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Long An đang tiến những bước vững chắc trên con đường hiện thực hóa trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đi đầu trong công cuộc đổi mới

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược, tỉnh Long An là địa bàn trọng yếu, chịu nhiều tổn thất, đau thương. 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được Trung ương phong tặng không chỉ kết tinh lòng yêu nước mà trở thành biểu tượng, niềm tự hào to lớn, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Long An.

Qua từng thời kỳ lịch sử, với những quyết sách sáng tạo, đột phá, Long An từng là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới với cơ chế giá - lương - tiền, mạnh dạn tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười, nay tiếp tục trở thành điểm sáng phát triển kinh tế.

Long An là vùng đất có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử với địa thế tự nhiên tiếp giáp TP.HCM, có đường biên giới giáp Campuchia, có cửa sông ra biển, có hệ thống giao thông thủy, bộ huyết mạch nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn
Lãnh đạo tỉnh Long An thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn

Những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cùng tầm nhìn chiến lược trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, phát triển công nghiệp đã đưa tỉnh tiến những bước tiến nhanh, mạnh hơn trên con đường hiện thực hóa trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Tài chính Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo đúng tinh thần “hành chính phục vụ”. Tỉnh cũng tăng cường hoạt động của Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có trọng tâm, trọng điểm…

Cùng với sự điều hành kinh tế linh động, sáng tạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chỉ số quan trọng của tỉnh tăng hạng mạnh mẽ như PCI vươn lên xếp hạng 2, PAR Index hạng 8, PGI hạng 12, góp phần đưa tỉnh lọt vào tốp 10 địa phương đứng đầu cả nước về hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024.

Tính đến hết quí I/2025, trên địa bàn tỉnh có 2.278 dự án DDI với số vốn đăng ký hơn 510.000 tỉ đồng và 1.409 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 12.783,6 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 398.900 tỉ đồng. Tỉnh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu, cụm công nghiệp mạnh trong cả nước...

Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 7,20%; trong đó, khu vực 1 tăng 3,63%; khu vực 2 tăng 10,02% và khu vực 3 tăng 6,81%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,12%; đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất từ năm 2021 đến nay, chứng tỏ kinh tế của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ; với tốc độ tăng trưởng kinh tế này, Long An đứng 5/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi công Khu công nghiệp sinh thái Prodezi trị giá 4.600 tỉ đồng
Khởi công Khu công nghiệp sinh thái Prodezi

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền đều đạt những kết quả tích cực, góp phần tạo nên bước phát triển mới, giúp tỉnh giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từng bước vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Nam như mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Điểm đến của nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Văn Út – Chủ tịch UBND tỉnh Long An, những thành tựu trong phát triển KT-XH là quá trình chuẩn bị rất lâu, xây dựng nền tảng từ các năm trước, dành các nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ đến các lĩnh vực quy hoạch, phát triển mạng lưới logicstic và các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị... Những nỗ lực, giải pháp đồng bộ giúp tỉnh trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút những nhà đầu tư lớn.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND tỉnh phối hợp các chủ đầu tư khởi công, khánh thành, động thổ 5 dự án lớn, quan trọng với tổng số vốn gần 30.000 tỉ đồng. Đây là minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Quốc tế Long An
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Quốc tế Long An

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “về đích” kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để tỉnh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Trong đó, tỉnh phấn đấu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số từ 10-11%.

Để đạt mục tiêu đề ra, Long An tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, cách nghĩ, cách làm, thực hiện tốt phương châm “5 thật, 7 dám, 5 rõ”. Đó là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật”, “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả”; luôn “xem người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, doanh nghiệp là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển…

Đồng thời, tỉnh đổi mới về phương thức lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả; gắn cơ cấu lại nền kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng đồng bộ, toàn diện, thực chất hơn trên tất cả lĩnh vực kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng các vùng động lực, hành lang kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, Long An cũng tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ bên ngoài, khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế của tỉnh.

Đến với Long An, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi thông thoáng, được hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, trong các thủ tục hành chính. Có nhiều dự án, UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư trong vòng 1 ngày. Trong các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, tỉnh quy hoạch các vùng, địa bàn trọng điểm để có chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm tạo động lực cho các nhà đầu tư đến với Long An. Thời gian tới, với môi trường đầu tư thông thoáng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ, Long An tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Long An tăng 8,3%, đứng thứ 21 cả nước và thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 26.500 tỉ đồng. GRDP bình quân đạt hơn 107 triệu đồng/người/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Long An: Tự hào vùng đất “Trung dũng, kiên cường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO