Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, đã nói rõ hơn các thông tin liên quan Luật An ninh mạng đối với các doanh nghiệp, tổ chức trên môi trường không gian mạng.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, tại Điều 9 Luật An ninh mạng nêu rõ người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
10:27, 12/06/2018
06:04, 10/05/2018
17:48, 13/11/2017
- Thưa ông, khi Luật An ninh mạng chính thức được thông qua, liệu doanh nghiệp có bị phát sinh thêm chi phí?
Đây là dự thảo Luật với tiêu chí tất cả các doanh nghiệp, tổ chức cũng như cá nhân được phát triển tốt hơn, giúp giảm về thủ tục hành chính và các chi phí hành chính khác. Do đó, chúng ta yên tâm và không phải lo lắng về việc phát sinh các vấn đề trên. Tất nhiên, trong quá trình áp dụng Luật có thể phát sinh các vấn đề liên quan, khi đó sẽ kịp thời điều chỉnh bằng các văn bản như nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ.
- Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, Luật An ninh mạng này được thông qua thì hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ trên không gian mạng sẽ bị các rào cản nhất định và không được thông thoáng như xưa, ông nhận xét gì về điều này?
Trước đây các doanh nghiệp hoạt động tự do, chỉ có các quy định như quy định về Luật An toàn thông tin hoặc một số các quy định của pháp luật khác điều chỉnh các hoạt động về các dịch vụ trên không gian mạng như vậy, nay có thêm Luật An ninh mạng, doanh nghiệp băn khoăn là đúng.
Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nếu hoạt động trên môi trường không gian mạng cũng như không gian thực mà chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đúng quyền lợi và nghĩa vụ thì chắc chắn sẽ không có rắc rối nào xảy ra. Chỉ với các tổ chức hoạt động có dấu hiệu mờ ám, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như trốn thuế,… thì mới đáng lo ngại.
- Luật An ninh mạng sẽ tác động thế nào đến những người đang kinh doanh online trên không gian mạng, thưa ông?
Tất cả mọi người, mọi công dân đều được phép kinh doanh. Nếu chúng ta kinh doanh hợp pháp, phát ngôn hợp pháp và đúng với thuần phong mỹ tục, đúng chủ trương đường lối thì không có gì đáng lo ngại. Chỉ với các trường hợp phát ngôn trái pháp luật, chống lại Nhà nước, chống lại nhân dân, và chống lại các lợi ích của cộng đồng xã hội cũng như vi phạm các quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước thì có thể bị xem xét xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng.
- Theo ông, Luật An ninh mạng ra đời sẽ mang lại lợi ích như thế nào đối với doanh nghiệp, tổ chức?
Luật An ninh mạng là một công cụ pháp lý hỗ trợ song hành cùng Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành trước đó và đã có hiệu lực thi hành cùng với các quy định khác của pháp luật của Nhà nước. Muc đích cuối cùng của Luật này đó là mọi người được hoạt động một cách bình đẳng và tốt nhất trên cả không gian thực và không gian mạng.
Đối với các tổ chức, đối tượng có mục đích cạnh tranh không lành mạnh hoặc dùng các thủ đoạn ẩn danh trên không gian mạng để thực hiện các mục đích xấu, như thực hiện các hành vi vi phạm an ninh quốc gia, đăng tải tuyên truyền các thông tin không lành mạnh với doanh nghiệp đối thủ, xúc phạm nhân phẩm các công dân khác,… thì chắc chắn sẽ bị xử lý.
Luật An ninh mạng cùng tất cả các hệ thống pháp luật của chúng ta đã đang và sẽ từng bước làm cho tất cả các quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế của đất nước phát triển tốt hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội và quyền lợi ích hợp pháp của tất cả công dân Việt Nam.
- Nhiều đơn vị hoạt động trên môi trường mạng như Google, Facebook,… gần như chúng ta không kiểm soát và thu được nhiều thuế từ họ vì họ không đặt máy chủ trên đất nước chúng ta. Với Luật An ninh mạng, chúng ta có kiểm soát họ như thế nào, thưa ông?
Luật An ninh mạng ra đời sẽ là một hành lang pháp lý rất quan trọng để Việt Nam cùng với các nước có cơ sở pháp lý để đặt ra các điều ước quốc tế, ký kết với nhau và sau đó sẽ cùng nhau thực hiện kiểm soát. Bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ trên không gian mạng ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải thực hiện nghĩa vụ pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đó, trong đó có việc đóng thuế và phải chịu trách nhiệm pháp luật nhất định trên từng vùng lãnh thổ, quốc gia.
Chính vì vậy, việc ra đời Luật An ninh mạng sẽ giúp cho quá trình đàm phán, đẩy nhanh các điều ước quốc tế song phương và đa phương sẽ tốt hơn so với khi chưa có Luật.
- Xin cảm ơn ông!
Sáng 12/6, Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Trước đó, tại các phiên thảo luận nhiều ý kiến cho rằng cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, bởi trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều sự kiện liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lẻ đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia… |