Các quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn gia nhập thị trường, mà còn trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.
Với 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, sáng ngày 17/6, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Nhiều thay đổi tích cực
Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó, Luật quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số.
Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền: Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp; Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Quy định về doanh nghiệp nhà nước, Luật sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Giúp cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam
Những điểm mới này của Luật Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp, giảm rào cản gia thị trường, đồng thời giúp nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng, với nhiều điểm mới như trên, khi có hiệu lực, Luật sẽ thúc đẩy cả về chất lượng và số lượng doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chặt chẽ hơn, minh bạch và rõ ràng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử, Luật có những quy định rất chặt chẽ đối với huy động vốn, nhất là những trường hợp liên quan đến phát hành trái phiếu trên thị trường gắn với pháp luật về chứng khoán... “Những điểm mới của Luật sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Ngân khẳng định.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Doanh nghiệp 2020 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng, Luật trình Quốc hội kỳ này đã đáp ứng được yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, đảm bảo sự đồng bộ, rõ ràng hơn trong các quy định, sửa nhiều điều tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Những sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được cơ bản những bất cập, khiếm khuyết của Luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định của Luật.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 21/06/2020
11:05, 17/06/2020
05:50, 15/06/2020